Triển khai công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN - PV) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất của năm 2017 của tất cả cán bộ, đảng viên, bởi vì chúng ta đã có nhiều chủ trương của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ nhưng chúng ta làm chưa được bao nhiêu, kể cả thoái vốn, kể cả cổ phần hóa và sắp xếp lại.
Như con số trong báo cáo của Ban Đổi mới DNNN đã nêu, chúng ta mới thoái vốn 5 lĩnh vực, mới đạt 42%, tức là còn 58% chưa thoái vốn và chúng ta mới cổ phần hóa số vốn được 8%, tức là còn 92% là hoàn toàn vốn Nhà nước trong DNNN. Số lượng DNNN có thể giảm đi nhưng tỉ lệ cổ phần hóa rất thấp. Tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn.
"Chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm, chúng ta cứ để mãi như vậy thì chúng ta không bao giờ cổ phần hóa, không bao giờ sắp xếp lại được DNNN. Tôi nói số liệu này để rút ra bài học kinh nghiệm là cần sắp xếp lại, cần phải cổ phần hóa DNNN đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị DN, môi trường lành mạnh minh bạch, công bằng và tạo điều kiện cho DN tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ. Và điều đặc biệt hơn là công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu góp phần phòng chống tham nhũng vì có nhiều cổ đông cùng giám sát vốn. Cho nên, qua quá trình cổ phần hóa có thể rút ra nhiều kinh nghiệm, bài học tốt để tiếp tục làm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
"Điều nữa tôi muốn nói là nhiệm vụ chính trị là gì? Tài sản và vốn ở DNNN của chúng ta là hơn 5 triệu tỷ đồng Việt Nam, trong khi tỉ lệ nợ công còn cao, cần huy động vốn xã hội vào đầu tư. Chúng ta cần vốn để làm nhiều việc khác, nhất là làm những công trình hạ tầng quan trọng, giảm nợ công xuống thông qua huy động vốn xã hội", vẫn lời Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ các nguyên nhân khiến chậm trễ trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN. Theo đó, Thủ tướng cho biết, thứ nhất, cái vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.
Thứ hai, đề án chúng ta xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm, rồi sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, rồi một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời. Năng lực quản lý điều hành của cán bộ DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đánh giá đối với DNNN chưa có hiệu quả, còn hình thức, chưa minh bạch giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Anh có chi phí rất lớn, quản lý đất đai rất lớn, tư liệu sản xuất của Nhà nước rất lớn nhưng hiệu quả còn kém, chưa đánh giá hết được.
Một nguyên nhân nữa cũng thuộc về Nhà nước mà chúng ta thấy là mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng đã đưa ra 3 yêu cầu lớn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, thứ nhất, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN. Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra.
Thứ hai, khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn. Vốn Nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn.
Thứ ba, phải tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn. Cái gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn. Nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, điện lực, lương thực… Để điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo