Hỗ trợ doanh nghiệp

Trình Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý trình Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 17/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước đó, Dự án Luật đã được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào ngày 5/4 vừa qua.

Tại phiên họp, thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội, sẽ thu hẹp đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ theo Luật này.

Theo thống kê của BHXH năm 2015, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH. Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Về đề nghị tên luật là Luật phát triển DNNVV, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy nội hàm của "phát triển" rất rộng, bao gồm cả về mặt số lượng và chất lượng, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp. Tên luật như hiện nay thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước là hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa là những đối tượng yếu thế hơn trong thị trường hoạt động ổn định, các điều khoản trong dự thảo Luật cũng quy định việc hỗ trợ cụ thể cho DNNVV Nhà nước đóng vai trò là người dẫn dắt để các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng với Nhà nước hỗ trợ cho DNNVV phát triển.

Về đề nghị đối tượng áp dụng của Luật này không bao gồm DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV có vốn nhà nước, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với một số nội dung hỗ trợ cơ bản như đào tạo, thông tin, tư vấn hoặc hỗ trợ trọng tâm thì DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV có vốn nhà nước vẫn được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, với hỗ trợ thuế và mặt bằng sản xuất thì sẽ chỉ hỗ trợ cho DNNVV tư nhân trong nước. Để tránh phân biệt đối xử, Dự thảo Luật đã tiếp thu nhưng không quy định trực tiếp tại Điều 2 mà quy định tại khoản 3, Điều 5 để làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ hướng dẫn thi hành, thu hẹp nội dung hỗ trợ đối với DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV có vốn nhà nước.

Về việc cần quy định trong Luật tiêu chí xác định cụ thể từng loại doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa trong từng ngành lĩnh vực, đề nghị chọn tiêu chí doanh thu làm tiêu chí ưu tiên hơn, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong Dự thảo Luật trình Quốc hội đã ghi cụ thể tiêu chí xác định từng nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ghi cụ thể như vậy cũng có nhiều bất cập, không tạo sự ổn định của Luật. Do vậy dự kiến tiếp thu theo hướng quy định nguyên tắc chung về tiêu chí xác định DNNVV và khung giới hạn về tổng nguồn vốn, doanh thu và số lao động là 3 tiêu chí phổ biến nhất mà thông lệ các nước hay sử dụng, cụ thể giao Chính phủ hướng dẫn, quy định phù hợp với quy mô của DNNVV từng thời kỳ. Bên cạnh tiêu chí lao động, dự thảo Luật đã bổ sung tiêu chí doanh thu và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 15), Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp, quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế trong khi vẫn phải áp dụng các quy định phức tạp về hệ thống sổ sách kế toán, nhân sự quản lý tài chính như các doanh nghiệp vừa, do vậy dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung tại Điều 9 quy định để tạo cơ sở pháp lý cho luật chuyên ngành sửa đổi, bổ sung cho nhóm doanh nghiệp này được áp dụng thủ tục thuế và kế toán đơn giản hơn hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này. Như vậy, mặc dù không bổ sung trực tiếp tại Điều 15 nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh cơ bản sẽ là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Điều 9. Với quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế và là một hỗ trợ quan trọng để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về việc Hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp cần tránh cấp rời, cấp lẻ và không hy sinh môi trường cho kinh tế; đặc biệt là việc làm rõ quy định về trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đây là lần thứ hai Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau khi dự án luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách nên cơ bản đã đạt được yêu cầu, đã thu gọn được các điểm còn ý kiến khác nhau.
Qua thảo luận tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thứ nhất, về cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình dự thảo luật cũng như toàn bộ dự án luật mà Ủy ban Kinh tế là cơ quan thẩm tra đã trình ra. Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định đây là luật khung, đưa ra nguyên tắc và tạo cơ sở pháp lý để sửa các luật khác như các Luật thuế, Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng và các chương trình quốc gia.

Về một số nội dung cụ thể: về tên gọi, dự thảo luật để thể hiện đúng bản chất và mục tiêu của dự án luật. Về tiêu chí, thống nhất ba tiêu chí là doanh thu, vốn và lao động. Riêng về tiêu chí lao động lấy trần là 200 lao động là hợp lý, yêu cầu các lao động này phải tham gia bảo hiểm xã hội nhằm đặt ra bảo vệ quyền lợi của người lao động và đề cao trách nhiệm của giới chủ.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất về nội dung, chương trình, về ba quỹ hỗ trợ như dự thảo luật, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc là có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và phù hợp với khả năng của ngân sách thực tế và điều kiện của đất nước. Đồng thời đề nghị rà soát lại Điều 30 để không ảnh hưởng tới chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngành nghề khác; đề nghị rà lại các Điều 10, 15, 16, 17 trong Dự thảo Luật; đề nghị xác định rõ thời điểm thi hành để có lộ trình sửa các luật có liên quan khi Luật này có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý sau khi Dự thảo Luật được tiếp thu ý kiến sẽ trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo