Trước AEC, ngành điện tử Việt Nam bỏ lỡ điều gì?
Doanh nghiệp FDI và thực tế “bị cướp bóng” trên sân nhà
Trong Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hiện chiếm thế thượng phong ở thị trường trong nước với hơn 80% thị phần nội địa và gần như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam tuy đông về số lượng nhưng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính và công nghệ rất hạn chế. Vì hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp điện tử Việt Nam là gia công và lắp ráp, giá trị gia tăng tạo ra thấp và khả năng cạnh tranh không cao.
Theo thông tin cung cấp từ UBND tỉnh Bắc Ninh, năm 2012, Samsung xuất khẩu 12,7 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách chỉ 1.584 tỷ đồng, tương đương khoảng 79,24 triệu USD, chiếm 0,6% giá trị kim ngạch.
Trong khi đó, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp FDI không nhiều do các doanh nghiệp đăng ký đầu tư dưới mô hình doanh nghiệp công nghệ cao, với các ưu đãi về thuế và phí. Theo quy định, doanh nghiệp công nghệ cao chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho suốt quá trình triển khai dự án với 4 năm đầu miễn thuế, 9 năm sau đóng 50% thuế. Trong khi đó, mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với các doanh nghiệp khác từ năm 2014 là 20%.
Trong khi đó, giới phân tích kinh tế thế giới đánh giá cao tiềm năng của ngành điện tử Việt Nam.
Trên tờ Wall Street Journal, nhà kinh tế Devika Mehndiratta (Ngân hàng ANZ) nhận định: "Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ 2 xu hướng trong ngành sản xuất điện tử. Thứ nhất, trong khi nhu cầu ở Mỹ và châu Âu nhìn chung yếu thì doanh số bán hàng điện tử lại tăng mạnh ở Trung Quốc. Thứ hai, thậm chí ở Mỹ - nơi ngành nhập khẩu điện tử năm 2013 dường như giậm chân tại chỗ - thì ngành nhập khẩu các thiết bị viễn thông vẫn tăng trưởng, và thiết bị cầm tay là một trong những sản phẩm Việt Nam chuyên môn hóa”.
"Quốc gia này cho đến nay đã chứng minh ít nhất nó có thể là nhân tố nhỏ trợ giúp cho ngành xuất khẩu Đông Nam Á, vì nhu cầu hàng điện tử của Trung Quốc khá cao", bà Mehndiratta nói. Cũng theo ANZ, hiện chỉ có 9% hàng xuất khẩu của Việt Nam nhập vào Trung Quốc.
Lợi thế này sẽ càng được phát huy khi cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Với mức thuế quan dần được cắt giảm về 0%, hàng rào phi thuế quan được gỡ bỏ, lưu thông tự do về vốn, nhân lực, đầu tư,… Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu, nhân công giá rẻ và thị trường tại các nước khác trong khu vực, cũng như công nghệ tại các nước phát triển, xuất khẩu sang các thị trường ký kết FTA.
Thế nhưng, sau gần 30 năm hình thành và 5-6 năm “nhập khẩu” doanh nghiệp FDI để trở nên “đủ lông đủ cánh”, ngành điện tử Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập trước cơ hội hội nhập chuyên môn hóa sâu tại AEC.
Sự chỉ lối của “người nhà”
Theo VCCI, cái thiếu trước hết vẫn nằm ở sự bế tắc về công nghệ. Phần lớn sản phẩm điện tử Việt Nam đều sản xuất theo bản quyền thiết kế của nước ngoài. Hàm lượng chất xám thấp khiến giá trị gia tăng của sản phẩm chỉ đạt 10-15% và thiếu hẳn tính cạnh tranh. Sau một thời gian dài, sản phẩm điện tử của Việt Nam vẫn loanh quanh ở các lô lắp ráp linh kiện điện tử dán nhãn mác Việt Nam.
Thứ hai là sức ép của chế độ ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp FDI. Theo thống kê nói chung, 2/3 doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Năm 2011, chỉ 2,1% doanh nghiệp quy mô vừa và 2,4% doanh nghiệp quy mô lớn. Điều này cộng sức ép cạnh tranh từ khối DN FDI khiến doanh nghiệp Việt Nam không lớn được, trở thành các đơn vị gia công, lắp ráp hoặc cung cấp linh kiện cho khu vực FDI.
Thứ ba là vấn đề đào tạo nhân lực. Việc hội nhập đòi hỏi lao động đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn quốc tế. Điều này dẫn tới chảy máu chất xám, tức các chuyên gia nghiên cứu thiết kế xuất sắc và nguồn nhân công chất lượng bị hút sang khối FDI. Mặt mặt bằng nhân lực chất lượng thấp dẫn tới sự trì trệ của bộ máy tổ chức sản xuất.
Thứ tư, là quan niệm “xây dựng một ngành công nghiệp hoàn chỉnh từ sản xuất phụ tùng linh kiện đến một sản phẩm hoàn chỉnh”. Đây là bất lợi lớn nhất và cần thay đổi trước nhất. Trong xu thế hình thành các chuỗi giá trị của ngành điện tử toàn cầu, việc đầu tư trải dài theo chiều rộng làm chậm quá trình chuyển đổi cơ cấu sản phẩm: từ sản xuất hàng điện tử dân dụng sang chuyên dụng, từ lắp ráp sản phẩm sang thiết kế phát triển sản phẩm… tức sự chuyên môn hóa dần theo hướng nâng cao hàm lượng chất xám.
Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp khối ngành điện tử Việt Nam cần xác định mũi nhọn cạnh tranh của đơn vị, bằng cách xác định công đoạn, sản phẩm hoặc phụ tùng, linh kiện có khả năng làm tốt nhất. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Mặc dù không dễ dàng thực hiện, đây được coi là điều quyết định để các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của ngành điện tử khu vực và toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo