Hỗ trợ doanh nghiệp

TS Nguyễn Ngọc Sơn: Cứ ra biển lớn, đừng sợ thất bại!

Thay vì chỉ tập trung đầu tư ở các thị trường Đông Nam Á, hiện nhiều DN đã mở rộng đầu tư ra các thị trường lớn và xa như châu Phi, Nam Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đã đến lúc các DN Việt cần vươn ra biển lớn.

Năm 2014, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặt hái thành công ở thị trường nước ngoài như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk… Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm lo ngại các DN khi ra “biển lớn” sẽ gặp “sóng to” do phải cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ tại thị trường bản địa. Đứng về góc độ quản lý nhà nước, cũng có nhiều băn khoăn vì dòng tiền đổ ra nước ngoài nhiều nhưng lợi nhuận thu về chẳng bao nhiêu.

 

“Nhà nghèo” có nên chơi sang?

 

. Năm 2014, nhiều DN tiếp tục đi tìm cơ hội đầu tư ở các thị trường “ngách” như châu Phi, Nam Mỹ… Ông đánh giá thế nào về bức tranh DN đầu tư nước ngoài hiện nay?

 
- TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng bộ môn Luật, ĐH Tôn Đức Thắng: Đầu tư ra nước ngoài là nhu cầu tất yếu, và khi đã là tất yếu thì không thể cản trở.
 

Tuy nhiên, nói về bức tranh chung thì đa số DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Ngay thị trường trong nước các DN còn chưa tận dụng hết cơ hội để khẳng định mình. Nếu nhìn theo chiều hướng không thiện chí, sẽ có ý kiến cho rằng chúng ta “nhà nghèo mà chơi sang”. Còn ở góc độ tổng thể, có thể thấy đầu tư ra nước ngoài là hoạt động khá mạo hiểm, đơn điệu và còn ít DN tham gia. Đơn giản vì chúng ta còn quá ít thông tin cũng như kinh nghiệm trong việc khai thác thị trường bên ngoài. Chúng ta quen chờ đợi DN nước ngoài đến đầu tư thay vì đi tìm  cơ hội. Như vậy, đầu tư ra nước ngoài mới chỉ là một gam màu nền và đang chờ “họa sĩ” tô màu.

 

. Vậy chúng ta đặt câu chuyện DN đầu tư ra nước ngoài vào thời điểm này có thừa không, thưa ông?

 

– Không thừa. Như đã nói, đầu tư ra nước ngoài đang là bức tranh còn chờ họa sĩ vẽ vào chứ không phải là bức tranh hỏng để vứt đi. Chỉ có điều ai sẽ là họa sĩ để đưa bức tranh đó thành tuyệt phẩm.

 

Đầu tư ra nước ngoài là hoạt động đặc biệt thể hiện tham vọng lớn chứ không phải chỉ là vấn đề giữ vốn hay mở rộng vốn. Bởi lâu nay những cơ hội để chúng ta vươn ra nước ngoài chủ yếu là hàng hóa xuất khẩu. Do vậy chúng ta chưa định vị được thị trường Việt Nam ở nước ngoài thông qua hoạt động đầu tư. Chúng ta không thể chờ. Vì nếu chờ đến khi đủ điều kiện rồi thì chưa chắc DN còn cơ hội để đầu tư.

 

Chúng ta đã đi sau trong tiến trình hội nhập nên phải nắm bắt xây dựng cơ hội ở bất cứ thời điểm nào. DN là người quyết định điều kiện ấy thông qua kinh nghiệm, thành công hay thất bại. Chúng ta cũng đừng sợ thất bại. Vì các DN nước ngoài cũng đầu tư vào Việt Nam và họ cũng có thể phải đối diện với thất bại. Tôi tin các thế hệ, tầng lớp thương nhân vươn ra đầu tư nước ngoài sẽ có chiến lược hợp lý trong việc thâm nhập thị trường quốc tế.

 

Sự chuẩn bị thật tốt về nguồn nhân lực và tài lực là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Ảnh minh họa.

 

Cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh

 

. Còn về khung pháp lý hiện nay đối với hoạt động này ra sao, thưa ông?

 

– Các DN Việt Nam chưa bao giờ bị trói trong việc đầu tư ra nước ngoài. Chỉ có điều hiện chúng ta chưa có kênh pháp lý để quyền được thực hiện rộng rãi.

 

Có thể thấy việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động đầu tư là cần thiết. Chúng ta cũng chưa từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng khung pháp lý đầu tư ra nước ngoài phù hợp với khung pháp lý Việt Nam. Cho nên tất cả những bước đi xây dựng khung pháp lý vẫn mang tính bước đầu, học hỏi và nó chưa hoàn thiện cũng là tất yếu. Điều đáng mừng là Luật Đầu tư 2014 đã có những cải tiến để giảm bớt thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư. Điều đó cho thấy Việt Nam rất quyết tâm trong việc thúc đẩy hoạt động này.

 

. Đầu tư ra nước ngoài, DN gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, thói quen người tiêu dùng, thậm chí là cạnh tranh với các đối thủ bản địa lớn. Vậy ông có lời khuyên gì cho các DN Việt Nam không?

 

– Về lý thuyết, để đầu tư ra nước ngoài các DN cần nắm bắt thật rõ về thị trường đó. Đầu tư ra nước ngoài dứt khoát là chiến lược dài hạn và DN phải đủ sức chịu đựng sự dài hạn đấy. Thứ hai, DN phải cẩn trọng về nguồn lao động, nguồn vốn. Vì chúng ta không giàu nên không thể để mất. Và dĩ nhiên, trong sự cẩn trọng phải am tường pháp luật các nước mình đầu tư. Đặc biệt, phải dùng được và tin được người tư vấn pháp luật của bản địa. Luật sư bản địa sẽ biết được tập quán pháp luật bản địa rõ nhất.

 

Điều quan trọng nhất là sự tự tin. Người Việt Nam ở nước ngoài làm ăn rất tốt. Chúng ta đã có tỷ phú người Việt Nam tại Mỹ, điều đấy cho thấy người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra làm ăn ở nước ngoài. Vấn đề là phải giải mã vì sao chúng ta chưa thể “làm lớn” ở nước ngoài.

 

Tóm lại, đã là kinh doanh, bất cứ thời điểm nào cũng là cơ hội. Nếu chúng ta cứ chần chừ thì sẽ vuột mất cơ hội khẳng định mình. Thị trường luôn thay đổi, ở bất cứ thị trường nào cũng sẽ có những “kẽ nứt” để chúng ta có thể mọc cây. Kể cả thị trường đã bền vững.

 

Tôi hoàn toàn ủng hộ các DN nội vươn ra biển lớn. Và tôi chúc họ sẽ thành công!

 

. Xin cám ơn ông!

 

 

Cẩn trọng nguồn vốn nhà nước

. Có nhiều quan điểm cho rằng không nên đầu tư nước ngoài lúc này, vì hàng tỉ USD đã được đổ ra nước ngoài nhưng lợi nhuận thu về không đáng bao nhiêu…

– Nhà đầu tư có quyền lựa chọn khu vực đầu tư và định hướng đầu tư theo nhu cầu của họ. Khi nhu cầu đó bị cản trở, chưa chắc người ta sẽ đầu tư trong nước. Có thể khi đó DN lại dùng vốn gửi ngân hàng hay đầu tư vào những khu vực an toàn, ăn liền.

Người làm luật không phải là người lái thuyền. Có thể chúng ta sẽ là người vẽ ra những hải trình để con thuyền đi trên thủy lộ an toàn. Nhưng người lái con thuyền vốn dĩ là các thương nhân, vì vậy chỉ có họ mới biết con thuyền của họ nên đi đâu.

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo