Tướng Hiệu với những ký ức về mùa thu vàng nước Nga
Có lần, ngồi trò chuyện cùng Viện sỹ, vị tướng trải lòng: “Không phải khi đặt chân tới nước Nga tôi mới yêu nơi này. Tôi yêu nước Nga qua những trang sách như hằn sâu vào bao thế hệ cùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những dòng chữ như có máu lửa trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đã đi cùng tôi khắp các mặt trận, cùng tôi trải qua các trận đánh. Và ý chí ấy đồng hành cùng tôi suốt chặng đường binh nghiệp, thời chiến, thời bình… Để rồi sau này, tôi đã trưởng thành, lần lượt từ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam…”.
Cho tới những năm sau này, vị Thượng tướng, Viện sỹ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vẫn giữ trong trái tim mình ký ức đặc biệt với mùa thu Nga, với đất nước Nga xinh đẹp.
Đi qua những năm tháng chiến tranh, có những thứ ông có thể gửi lại ở đâu đó nơi rừng xanh, nơi gian khó… Song bộ sách “gối đầu giường” - gắn bó với ý chí của các vị tướng thì chưa bao giờ dời xa ông. Được ví như người bạn đồng hành hơn 50 năm qua, bộ sách nhớ lại và nói lên suy nghĩ của Nguyên soái G.Giu-cốp vẫn luôn theo bước chân ông. Bởi vì, những ký ức được các vị tướng tài ba của nước Nga vĩ đại ghi chép lại - đã giúp bồi bổ cho ông thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong đời binh nghiệp của mình.
Sau này, ở cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - phụ trách đối ngoại và khoa học - công nghệ quân sự, ông đã có những đề xuất và định hướng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Mọi ý tưởng cũng như phát triển – áp dụng vào thực tiễn, có lẽ khởi nguồn từ bộ sách đặc biệt đó.
Trong suy nghĩ của ông và cả những gì ông được chứng kiến tại nước Nga những ngày tháng chỉ đạo, học công nghệ đóng tàu, công nghệ máy bay, tên lửa và tác chiến điện tử… là những thế mạnh mình cần học hỏi ở nước bạn.
Những gì ông gửi gắm vào mối quan hệ Việt – Nga, chính là mong ước làm sao để người Việt Nam có thể làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa, tàu chiến, vũ khí trang bị kỹ thuật trên cơ sở phát triển nền công nghiệp quốc phòng và đưa nền quốc phòng toàn dân ngày càng trở nên tiên tiến, hiện đại…
Vị tướng say sưa truyền lại kinh nghiệm với thế hệ sau về những chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên phối hợp giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, về những ra đa, tên lửa mà chính người Việt Nam dựa trên kiến thức, dựa vào những điều học hỏi được từ nước bạn, biến thành chí khí - công nghệ của Việt Nam – xuyên suốt cùng sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng nước nhà.
Ông đang nhớ về những ngày đầu tiên có mặt ở đất nước Nga vĩ đại, hình ảnh Quảng trường Đỏ, dòng sông Vonga, những kỷ niệm khi ông bước chân tới thành phố Xanh-pê-téc-bua, nhìn thấy những hàng bạch dương trong mùa thu vàng… Tất cả còn nguyên vẹn trong lòng vị tướng.
Những ký ức về nước Nga vẫn đang và luôn là ngọn lửa cháy sáng trong tâm trí của những người Việt Nam dành tình yêu mãnh liệt cho nước Nga vĩ đại. Để rồi, những cống hiến của họ cho đất mẹ Việt Nam luôn có bóng hình nước Nga như một miền ký ức xa thẳm, thật xa mà lại thật gần, gần gũi trong những công trình, gần gũi trong những hợp tác để vẫn bước mãi những bước chân anh hùng trong bài ca vang mãi tới thế hệ hôm nay và mai sau.
Gần 10 năm Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu gắn bó với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, nhưng những gì ông hướng tới nước Nga có lẽ là sự gắn suốt mãi mãi về sau. Trong thời gian Tướng Hiệu là đồng Chủ tịch Ủy ban phối hợp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, những việc ông làm, đã được bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn Nga vẫn nhớ và ghi nhận sâu sắc.
Về với thời bình, ông tiếp tục cống hiến sức lực vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ông là người đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bầu là Viện sỹ khoa học quân sự về nghệ thuật chiến tranh. Giờ đây, sắp bước vào tuổi 70, người viện sỹ vẫn hằng ngày miệt mài, cặm cụi bên những trang tài liệu.
Những việc ông đã và đang làm – tiếp tục góp phần xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như phát triển khoa học - công nghệ quân sự Việt Nam nói riêng.
Với sự phát triển theo 3 hướng cơ bản là độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, cuộc chiến của ông ở thời bình là cuộc chiến với thiên tai. Ông luôn “chiến đấu” nhằm góp phần cải thiện cuộc sống cho cộng đồng, cho môi trường được trong sạch. Đó chính là những dự án hướng tới con người, vì con người! Có lẽ, chính vì thế mà những đề xuất, những hiệp ước quốc tế Viện sỹ đã ký, dù thời gian trôi qua, nhưng những người ở Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vẫn không quên đóng góp của ông cho Việt Nam và cho Liên bang Nga.
Những suy tư, những trăn trở cho nền công nghiệp quốc phòng của vị tướng ở tuổi gần 70 chưa bao giờ dừng lại. Ông vẫn ấp ủ dự định lớn hơn – chú tâm vào những công trình với những mong làm dày hơn nữa kho tàng khoa học quân sự, làm đầy hơn những công việc, dự án hướng tới môi trường, hướng tới con người… Và chặng đường ông bước đi, dường như cũng dài hơn, gấp gáp hơn… Bởi ông muốn chạy đua với thời gian để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền quốc phòng toàn dân, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tổ quốc cần các nhà khoa học. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đáp lại tiếng gọi của Tổ quốc bằng những đóng góp của mình, cả trong thời chiến và trong thời bình. Cuộc đời của ông là những tháng ngày chiến đấu không ngừng nghỉ, không mệt mỏi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất