Tỷ giá tăng 1%: Hợp lý nhưng doanh nghiệp vẫn lo
Ngay sau quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% từ ngày 7-5 của Ngân hàng Nhà nước, không ít doanh nghiệp tỏ rõ sự lo lắng, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, tỷ giá đã tăng thêm 2%. Trong khi đó, các ngân hàng và chuyên gia tài chính lại cho rằng việc điều chỉnh này là hợp lý và linh hoạt.
Xuất - nhập đều lo
Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho rằng, điều chỉnh tỷ giá thêm 1% là “lợi bất cập hại”. Phân tích rõ hơn, ông Đoàn Trọng Lý cho hay: “Ngân hàng Nhà nước cam kết trong năm nay điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 2%. Bây giờ đã hết dư địa để điều chỉnh, liệu từ giờ đến cuối năm tỷ giá có neo được không? Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá tăng làm hàng hóa, phụ tùng nhập về bị tăng giá thanh toán. Tỷ lệ điều chỉnh 2% không phải là nhỏ”.
Ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi do giá xuất khẩu tăng. Song vì phần lớn nguyên vật liệu sản xuất hiện nay doanh nghiệp phải nhập khẩu nên doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được hưởng lợi nhiều. “Lâu nay, đồng tiền Việt Nam được giữ ổn định. Đây là cơ sở cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Biến động tỷ giá không chỉ gây ra những bất lợi nêu trên mà còn làm lạm phát tăng, những mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2015 của doanh nghiệp khó mà thực hiện được” - ông Đoàn Trọng Lý nói.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, thông thường, lượng hàng tồn kho tại doanh nghiệp nhập khẩu chiếm từ 30-40% giá trị hàng hóa nhập khẩu trong quý. Hợp đồng bán hàng đã được ký trước từ 3-5 tháng, nên doanh nghiệp phải chịu toàn bộ phần chi phí tăng thêm. Tính trên lượng hàng tồn kho, thiệt hại không nhỏ. Những lĩnh vực chịu nhiều bất lợi từ việc điều chỉnh thường là hàng nhập có giá trị lớn như: sắt thép, ô tô, máy công nghiệp…
Theo ông Nguyễn Tuấn - đại diện một công ty nhập khẩu thiết bị công nghiệp, việc điều chỉnh tỷ giá tác động không lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn với trường hợp của doanh nghiệp này, hợp đồng kinh doanh mỗi tháng chỉ khoảng từ 200.000- 300.000 USD, thì chi phí nhập khẩu cũng gia tăng không lớn.
Điều chỉnh là hợp lý
Cho rằng thời điểm điều chỉnh tỷ giá lần thứ hai trong năm nay vào ngày 7-5 vừa qua là hợp lý và linh hoạt, nhưng chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng đánh giá: “Việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái vừa qua chắc chắc sẽ tác động đến chỉ số lạm phát do độ mở của kinh tế Việt Nam, đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên với mức điều chỉnh 1% lần này, tác động không mạnh đến lạm phát. Khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm”.
Cùng quan điểm, ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, hôm qua (8-5), giao dịch tại Vietcombank có tăng nhưng không nhiều, vẫn ổn định so với các ngày trước. Ông Phạm Thanh Hà cho hay: “Điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này là hợp lý, giúp ngân hàng và doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới. Với mức điều chỉnh này, tôi tin tưởng tính thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn, cả tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ ổn định trong thời gian dài”. Cũng theo đại diện Vietcombank, diễn biến tăng tỷ giá vừa qua chủ yếu do tâm lý. Thế nên một khi tâm lý được giải tỏa thì cung cầu, thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn. Biểu hiện rõ nhất là tỷ giá ngày 8-5 đã giảm so với ngày 7-5.
Đánh giá của ngân hàng HSBC cũng cho rằng, việc thay đổi tỷ giá tham chiếu lần này là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại (3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số chưa từng thấy kể từ năm 2011) và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam.
Theo ANTĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo