Hỗ trợ doanh nghiệp

Vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhỏ và vừa thời hội nhập

(DNVN) - Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, thế giới chúng ta đang kinh doanh và sinh sống ngày càng phẳng hơn, rộng lớn hơn rất nhiều không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng…

Tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các bên tham gia sẽ tự do hơn rất nhiều trong lãnh vực có cam kết theo nguyên tắc bình đẳng cho tất cả các bên mặc dù trình độ phát triển của mỗi nước tham gia rất khác nhau. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm thấp hơn. Đây là bối cảnh khái quát nhất của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và trong bối cảnh đó, vai trò vị trí của các DNNVV VN sẽ có những nét đặc thù riêng nên chúng ta cần hiểu rõ để có chiến lược và phương thức phát triển phù hợp.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN hiện nay chiếm khoảng 98 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiến 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Nhưng trên thực tế, DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…Hàng năm các DNNVV đã tạo ra trên một triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.

Ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng.

Không chỉ riêng VN, nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các quốc gia phát triển, vai trò của DNNVV vẫn được đánh giá rất cao. Số lượng các DNNVV chiếm đa số tuyệt đối trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90%- 98%.

Ví dụ, tại các nước khối EU khoảng 90%, tại Mỹ: 98%, tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương: 96%, tại Nhật Bản: 98% và tại Việt Nam là khoảng 98%. Số lao động mà các DNNVV sử dụng cũng khá lớn. Tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương DNNVV sử dụng trên 60% lao động, tại Nhật Bản khoảng 75%. Mức đóng góp của các DNNVV vào sự tăng trưởng kinh tế khá cao.

Trong khu vực EU, các doanh nghiệp này tạo ra khoảng 65% tổng doanh số; ở Mỹ là trên 50% tổng GDP. Ở Việt Nam DNNVV cũng sử dụng rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động tại địa phương và khu vực nông thôn (chiếm gần 60%); đồng thời mức đóng góp vào GDP khá lớn (khoảng 35 - 40%) và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao.

Cả nước hiện nay có khoảng 500.000 DNNVV đang hoạt động, trong đó Đà Nẵng có khoảng 15.000 DN. Mặc dù có số lượng không nhỏ nhưng các doanh nghiệp này có qui mô rất nhỏ và trình độ phát triển rất thấp lại yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản lý và thiếu kinh nghiệm tiếp cận thông tin, đất đai, thị trường…Cạnh tranh trong nước đã khó, khi tham gia các FTA, đặc biệt là khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các DNNVV lo ngại phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp rất mạnh và tinh nhuệ của các nước bạn.

Tuy nhiên, dù DNNVV có những khó khăn đặc thù cố hữu như vậy nhưng điều quan trọng đối với DNNVV không cần phải là to lớn, mạnh mẽ mà là cần tốc độ phát triển phải thật nhanh, thật chắc.

 

Châu Á TBD là đã, đang và tiếp tục sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới cho dù nền kinh tế TQ đã có dấu hiệu phát triển chậm lại rất nhiều. Việt nam là một nước có vị trí địa chính trị rất quan trọng của  châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu nên các DNNVV chúng ta có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời kỳ hội nhập này.

Do vậy, chúng ta cần nhanh chóng tìm hiểu một cách cơ bản các FTA Việt Nam đã tham gia có liên quan đến doanh nghiệp chúng ta. Về cơ bản, khi hội nhập các DN sẽ  tự do hơn về rất nhiều mặt. Tự do hoạt động nhưng phải tuân theo cơ chế chọn lọc tự nhiên, bình đẳng với và tại tất cả các quốc gia mà VN đang hội nhập. Tự do hơn không chỉ trong giao thương, buôn bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… mà còn tự do hơn trong cạnh tranh, tự do khiếu kiện và áp dụng các biện pháp trừng phạt, trả đũa…nên đây là một thách thức rất lớn cho DNNVV chúng ta.

Do các DNNVV VN chủ yếu là các DN siêu nhỏ và đang có xu thế ngày càng “li ti hóa” nên thực lực rất yếu. Vì lực yếu nên chúng ta phải tối đa hóa việc lợi dụng thế để tồn tại và phát triển, phải  định hướng dòng chảy kinh tế xã hội của đất nước và toàn thế giới để đưa doanh nghiệp phát triển.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế Việt nam, dòng chảy hội nhập gồm 6 xu thế sau:

1. Thế giới ngày càng phẳng hơn và ngày càng tốc độ hơn trong mọi khía cạnh nhất là tốc độ lựa chọn và quyết định của DN trong mọi vấn đề.

 

2. Công nghệ ngày càng cao hơn đến mức không ngờ được, nhất là công nghệ thông tin, năng lượng, tự động hóa, công nghệ 3D, công nghệ sinh học, công nghệ xanh, công nghệ tiếp thị và công nghệ quản lý rất mới theo hướng ngày càng cá nhân hóa và hệ thống hóa.

3. Sức mạnh của Thế giới Mạng và chuỗi SX ngày càng lớn. Thị trường là vô tận nếu biết kết nối và chấp nhận một vị trí khả dĩ trong mạng kinh doanh và chuỗi sản xuất toàn cầu. 

4. Nguồn tiền và tài chính của thế giới rất phong phú và đa dạng nhưng hiện chỉ có khoảng 30% DN tiếp cận được vốn tín dụng của NH nên DN cần tìm kiếm các nguồn tiền khác..

5. Tiêu chuẩn tiêu dùng mới. Thông minh, yêu cầu xanh, sạch, mới lạ, gây được hứng thú, sáng tạo và thuận tiện trong sử dụng. DN cần biết tạo ra thị trường để bán được cái mình có.

6. Quản trị rủi ro và các yếu tố bất định theo hưởng chuyển rủi ro cho người khác  bằng cách mua bảo hiểm (tất cả các loại từ cháy nổ bão lụt đến biến động giá, tỉ giá, chính sách…) chuyển cái bất định thành cái xác định, biến tương lai thành hiện tại, Học  cách quản trị rủi ro bất định và tìm kiếm, xác định cơ hội mới.

 

Tại TP Đà Nẵng chúng ta, sau khi hội nhập, chắc chắn sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư mới đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các DNNVV chúng ta cần tận dụng các cơ hội hội nhập này để phát triển doanh nghiệp mình. Năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng cũng là một cơ hội rất lớn. Công nghệ xanh, công nghệ thông tin, xu thế “cá nhân hóa”, “li ti hóa” doanh nghiệp là những cơ hội cho DNNVV nếu biết tận dụng. Một tư duy kinh doanh mới bắt đầu từ sự phục vụ cộng đồng theo hình thức miễn phí để thu hút sự quan tâm của cộng đồng vào phễu để từ đó tiếp thị kinh doanh hiệu quả hơn là công cụ marketing tốt nhất hiện nay mà các DNNVV chúng ta rất dễ sử dụng trong thời kỳ hội nhập. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới phù hợp với xu thế hội nhập.

Cần hỗ trợ cho các DNNVV Khởi nghiệp thay đổi tư duy theo hướng tập trung chú trọng vào sự đổi mới, khác biệt và sáng tạo không chỉ trong sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà còn trong tư duy, ý tưởng kinh doanh, hình thức và phương thức kinh doanh, phục vụ phù hợp với thời kỳ hội nhập chứ không theo tư duy lợi ích cục bộ, xin cho, lợi dụng cơ chế của nhà nước như từ trước đến nay.

Các gói ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ đổi mới công nghệ, Quỹ hỗ trợ DNNVV,Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV… tất cả đều đã có một số kết quả mang tính tượng trưng nhưng hầu hết đều không đạt kết quả như mục đích đề ra ban đầu. Do vậy, thay vì tiếp tục hình thành các quỹ vận hành theo cơ chế xin cho cần áp dụng cơ chế thị trường và lực đòn bẩy trong kinh doanh Nhà nước nên tạo điều kiện cho sự phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia VN hội nhập rất lớn và ngày càng thông minh. TP Đà Nẵng vốn có nhiều lợi thế địa chính trị trong nước và khu vực nên tạo thế  phát triển một cách đột phá và toàn diện tạo điều kiện cho DNNVVDN phát triển vượt trội bù đắp cho sự manh mún, nhỏ lẻ, yếu kém như hiện nay.

Một đột phá quan trọng là xây dựng cảng thật lớn nối liền cảng Tiên Sa với Cảng Liên Chiểu, đảm bảo xứng tầm là một trung tâm logictic, trung tâm tài chính và du lịch lớn của cả nước và khu vực, đủ tầm đảm nhận vai trò đầu cuối, là cửa ngõ ra thế giới của Hành lang kinh tế đông tây, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ dương. Đây là một cơ hội vô cùng to lớn cho DNNVV Đà Nẵng chúng ta. Với tầm nhìn dài hạn của thời kỳ hội nhập toàn cầu, TP Đà Nẵng nên có những giải pháp đột phá như vậy để tạo thế cho cộng đồng doanh nghiệp ĐN, trong đó chủ yếu là  DNNVV phát triển tốt hơn trong thời kỳ hội nhập.

 

Hội nhập sâu rộng đòi hỏi các DNNVV chúng ta phải nắm vững các qui trình quản lý. Phát triển mối quan hệ cá nhân với các nhà tư vấn, các học giả, chuyên gia kinh tế, các chuyên gia của đoàn đàm phán dần thay cho việc quan hệ với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, chính quyền, ngân hàng… dựa theo những qui định khá mơ hồ, có thể hiểu theo nhiều cách nên không thỏa mãn được yêu cầu thật sự của doanh nghiệp mà đôi khi tạo điều kiện cho tham nhũng, lợi ích nhóm và thường thiên về hình thức.

Tóm lại, để tồn tại và phát triển vững chắc trong thời kỳ hội nhập, các DNNVV chúng ta cần xác định rõ vai trò vị trí của mình, phát hiện đúng xu thế phát triển của thời đại, của thị trường và của địa phương mình trong thời kỳ hội nhập, phải biết cách tạo thế đứng thật vững chắc để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, sớm đuổi kịp các nước cùng một sân chơi hội nhập với chúng ta.

Nên đọc
Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo