'Sóng ngầm' Anjuna trong 'cơn bão' EDM tại Việt Nam
Bức Tường ra mắt sản phẩm âm nhạc mới “Những ngày tháng tuyệt vời” / Kay Trần – Khi âm nhạc là tấm vé đổi đời
Nhắm mắt, bước vào một "buồng tối", thi thoảng lấp lóa ánh đèn, những bóng người lắc lư theo điệu nhạc, bạn đang ở đâu đó trong một hộp đêm, nơi những nhịp bass dồn dập, những âm synth (âm thanh được tạo ra bằng các thiết bị điện tử, không phải từ nhạc cụ - PV) văng vẳng bên tai. Không nhiều người giơ smartphone lên ghi hình, bởi thứ quá đỗi hiện đại ấy, đôi khi không thực sự cần thiết trong một không gian đắm chìm với âm nhạc. Cảnh tượng gợi nhớ tới hình ảnh những hộp đêm tại châu Âu những năm 1990, nơi mạng xã hội chưa từng tồn tại, nơi âm nhạc tự do và hoang dại ngự trị, lại đang hiện hữu tại Việt Nam, phần nhiều ở Hà Nội, trong gần 1 năm trở lại đây…
Từ sự cố chết người Trip To The Moon tới "cơn bão" EDM giữa lòng thủ đô
Nhạc điện tử (Electronic Dance Music – EDM) là khái niệm đã tồn tại trên thế giới từ hàng thập kỷ nhưng chỉ thực sự trở thành "hiện tượng" tại Việt Nam trong khoảng 5-7 năm trở lại đây. Nhiều lễ hội âm nhạc lớn đã được tổ chức, nhiều nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu thế giới đã tới Việt Nam trình diễn, tạo nên một bầu không khí âm nhạc cực kỳ sôi động, lôi cuốn đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng lễ hội - bản thân từ này - đã là một khái niệm rộng và vì thế, khán giả lựa chọn đến với nó đôi khi không chỉ vì âm nhạc. Văn hóa rave giúp không ít người đã tham dự và tìm được "một nửa" của mình, cũng có người xem đây như cơ hội để thể hiện cái tôi bản thân với những bộ trang phục bắt mắt, thu hút nhiều ánh nhìn hay đơn giản chỉ là có mặt trong một sự kiện thời thượng ăn khách…
Lễ hội âm nhạc Trip To The Moon có 7 người tử vong và tất cả đều dương tính với chất ma túy.
Rồi… một số ít trong đó, lựa chọn góc tối nhất để tìm đến – sử dụng ma túy, chất kích thích. Sự việc 7 người tử vong và 5 người trong tình trạng hôn mê sau khi tham dự lễ hội âm nhạc Trip To The Moon diễn ra vào tháng 9/2018 tại Công viên Hồ Tây (tất cả nạn nhân đều dương tính với ma túy), là cú sốc lớn đối với những người yêu thích lễ hội âm nhạc. Bởi lẽ, sự cố chết người này cũng đặt dấu chấm hết cho những sự kiện âm nhạc quy mô lớn suốt tại Hà Nội (cũng gần như trên toàn Việt Nam) từ thời điểm đó cho tới nay.
Nhưng bản thân âm nhạc không có lỗi. Nó là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa mang tới cho nhân loại. Và bằng cách này hay cách khác, như một đặc quyền, âm nhạc vẫn tìm đến với những đôi tai biết thưởng thức. Bỏ lại đằng sau những yếu tố của một lễ hội, những DJ hàng đầu thế giới tới chơi nhạc ở những hộp đêm – nơi được đầu tư hệ thống âm thanh ánh sáng "khủng", trước một lượng nhỏ vài trăm, vài chục khán giả - những người tham dự chỉ vì một mục đích duy nhất – thưởng thức âm nhạc.
Trước năng lượng tích cực từ đám đông phía dưới, những "phù thủy" EDM tỏ ra vô cùng phấn khích, không ít trong số đó đã "chiêu đãi" khán giả Việt Nam những set nhạc xuất sắc, kéo dài nhiều giờ đồng hồ - điều mà bản thân họ thậm chí còn chưa trình diễn ở bất cứ đâu trên thế giới.
DJ Oliver Smith (giữa) chụp hình cùng người hâm mộ trong chuyến lưu diễn tới Việt Nam hồi tháng 1/2019
Khi âm nhạc dần trở về đúng bản thể tinh khiết nhất của nó, những khái niệm cũng dần được định nghĩa đúng đắn hơn. Bên cạnh những sản phẩm "thị trường" vốn được giới trẻ ưa chuộng và mặc nhiên đại diện cho EDM tại Việt Nam, những thể loại như Trance, Progressive, House, Techno… cũng dần vươn mình trở thành dòng nhạc thực sự ghi dấu trong lòng khán giả, thu hút người nghe ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Từ đó, bức tranh âm nhạc EDM nước nhà dần trở nên rõ nét và sôi động.
"Sóng ngầm" Anjuna
Trong thế giới EDM, có thể khẳng định rằng, không có gì gắn kết những con người khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh, quốc tịch, văn hóa và ngôn ngữ đến với nhau như âm nhạc của Anjuna.
Above & Beyond là những nhà sáng lập Anjunabeats và thực sự tạo nên một dòng nhạc riêng biệt nhờ tinh thần gửi gắm trong từng tác phẩm của mình.
Anjuna (được biết đến nhiều hơn với tên hãng đĩa Anjunabeats) thực tế là "đứa con tinh thần" được thành lập bởi nhóm nhạc huyền thoại Above & Beyond. Qua thời gian, nhắc tới Anjunabeats người nghe không chỉ hình dung tới cái tên thủ lĩnh Above & Beyond mà còn là sự xuất hiện của những gương mặt trẻ xuất sắc như Andrew Bayer, Oliver Smith, Jason Ross hay gần hơn là Ben Bohmer, Spencer Brown, Ilans Bluestone… Trance – dòng nhạc vốn đã rất khó để cắt nghĩa một cách thực sự hàn lâm, lại càng trở nên "phức tạp" hơn qua những sáng tạo nghệ thuật đến từ các nghệ sĩ dán nhãn Anjunabeats.
Bên cạnh "thương hiệu" Above & Beyond, Anjunabeats còn được biết đến là nơi phát hiện và bồi dưỡng những tài năng DJ tài năng và triển vọng.
Ra đời sau Anjunabeats, hãng đĩa Anjunadeep cũng dần khẳng định được tên tuổi của mình bởi những nghệ sĩ tài năng như Jody Wisternoff, James Grant, Martin Roth, Yotto, Luttrell… với nhiều album được đánh giá cao và những đĩa đơn lọt vào BXH uy tín như Itunes, Bearport…
Trái với trăn trở của nhiều nghệ sĩ khi phải làm nên thương hiệu ở một thể loại nhạc nhất định, âm nhạc từ Anjuna không bị bó buộc bởi các định nghĩa. Các sản phẩm được cộp mác Anjuna luôn mang lại cho khán giả cảm giác "vừa đủ" về mặt kỹ thuật, nhưng lại thực sự "bùng nổ" về mặt cảm xúc. Ưu tiên chất nhạc bay bổng và giàu cảm xúc, từng câu hát, từng giai điệu trong các sản phẩm của nhà Anjuna đều vô cùng đẹp đẽ, khiến người nghe phải đắm chìm trong không gian âm nhạc mà nó mang lại. Và rồi từ đó, các tín đồ EDM trên khắp thế giới, phần lớn đều đồng ý tạo ra một khái niệm mới – âm nhạc Anjuna.
Âm nhạc của Anjuna luôn mang tới nguồn năng lượng tích cực cho khán giả.
Kể từ khi nhạc Trance bắt đầu được biết đến tại Việt Nam cho tới hết năm 2018, chỉ có 2 nghệ sĩ từ Anjuna tới Việt Nam trình diễn là Above & Beyond và 16 Bit Lolitas (16BL). Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 tới nay, các nghệ sĩ Anjuna đang ngày một xuất hiện nhiều hơn và chiếm được cảm tình từ khán giả tại mảnh đất hình chữ S bởi thứ âm nhạc riêng biệt của mình. Người hâm mộ EDM hẳn chưa thể quên được những phần trình diễn đầy cảm xúc của Oliver Smith hay Ben Bohmer. Bên cạnh đó, những DJ khách mời từng xuất hiện trong các chương trình radio của Anjuna như Jeremy Orlander, Darin Epsilon, Khen cũng đã mang lại cho khán giả tại Việt Nam những set nhạc thực sự giàu cảm xúc.
Giờ đây, những buổi trình diễn tại các hộp đêm bỗng trở nên "đắt khách" hơn bởi sự xuất hiện của nghệ sĩ đến từ nhà Anjuna. Thật không ngoa khi cho rằng, trong "cơn bão" EDM suốt gần 1 năm qua, "cơn sóng ngầm" mang tên Anjuna thực sự đã góp phần không nhỏ cho việc xây dựng cộng đồng yêu âm nhạc điện tử tại thủ đô Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Grum – "cơn gió lạ" của Anjuna sắp đến Việt Nam
Bên cạnh những gương mặt hàng đầu của Anjuna như Above & Beyond, Oliver Smith, Andrew Bayer, James Grant, Jody Wisternoff hay Yotto... sẽ thật thiếu xót nếu Grum không được nhắc đến.
Thực tế, DJ đến từ Scotland này không phải là cái tên gắn bó với Anjuna ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động nghệ thuật. Trước khi gia nhập mái nhà chung Anjunabeats, Grum đã được ghi nhận như một trong những DJ tài năng nhất ở thế hệ của mình.
Graeme Shepherd
Album đầu tay của Grum có tên Heartbeats, được ra mắt vào tháng 5/2010. Album được so sánh với 2 album vang danh thời bấy giờ là Discovery của Daft Punk hay Destroy Rock & Roll của Mylo.
Chiếm được cảm tình của khán giả, Heartbeats nhanh chóng nắm giữ vị trí số 1 trên BXH EDM của Itunes Mỹ. Cuối năm 2010, Grum được vinh danh là Nghệ sĩ EDM xuất sắc nhất năm do Itunes UK bình chọn.
Tích cực hoạt động nghệ thuật, năm 2012, Grum được đứng chung sân khấu với những huyền thoại EDM như Tiesto, Fatboy Slim hay Above & Beyond, đồng thời có những tour diễn khắp thế giới từ New York tới Paris, Barcelona, Úc, Brazil…
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn được trang Pop Dust thực hiện vào năm 2018, Grum cho hay nguồn cảm hứng trong âm nhạc của bản thân thay đổi qua từng giai đoạn.
DJ Grum biểu diễn trong đại nhạc hội ABGT150 của Anjunabeats.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Grum tỏ ra vượt trội trong các bài kiểm tra về âm nhạc và nhận được phần thưởng là một cây kèn trumpet. Nhưng sự sáng tạo trong nghệ thuật đã thôi thúc chàng trai trẻ khi ấy thay vì tập theo những khổ nhạc vô hồn in sẵn trên giấy, lại sẵn sàng cố gắng chơi những nốt vụng về "bắt chước" những bản nhạc mà bản thân được nghe quả radio. Qua thời gian, Grum bắt đầu biết đến và thực sự thích thú với âm nhạc của nhóm nhạc pop The Human League trước khi chìm đắm trong âm nhạc của huyền thoại nhạc Trance – Ferry Corsten và rồi đi theo con đường sự nghiệp của một DJ.
Trong album đầu tiên có tên Heartbeats, được ra mắt hồi 2010, Grum thực sự say mê với những âm thanh của thập niên 80 thế kỷ trước trước khi trở lại với Trance. "Vào thời điểm đó, thật tuyệt vời khi bạn có thể tạo ra rất nhiều âm thanh giả cổ điển chỉ bằng việc sự dụng phần mềm trên máy tính xách tay" – Grum nói – "Nhưng theo thời gian, tôi đã dần dần trở lại với Trance và cội rỗ của âm nhạc hộp đêm – dựa trên ý tưởng về sự hưng phấn và chất nhạc đầy năng lượng. Thật thú vị khi thử tiếp cận thứ âm nhạc ấy theo những cách mới mà không cần phải trở lại với nhịp điệu đơn giản 140bpm (beats per minute - PV)".
"Tôi định nghĩa âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu, là cách mà mọi người đến từ những nền văn hóa khác nhau, có tiếng mẹ đẻ khác nhau, có thể kết nối với nhau thông qua sự chia sẻ, cảm thông." DJ Grum.
Hành trình của Grum trong âm nhạc có nhiều trạng thái màu sắc khác nhau dẫn tới việc sự tự do trong âm nhạc của DJ người Scotland càng được phát huy một cách tối đa. Và Anjuna – nơi âm nhạc không bị bó buộc vì những định nghĩa, những triết lý khô cứng của công ty, lại càng giúp cho Grum có thể thỏa sức vẫy vùng trong những sáng tạo nghệ thuật của mình.
Năm 2015, Grum gia nhập hãng đĩa Anjunabeats của Above & Beyond và cho ra mắt nhiều đĩa đơn gây được tiếng vang lớn. Những singles như Shout, Under Your Skin, Spirit, Hourglass… nhiều lần chiếm vị trí cao trên BXH nhạc Trance và Progressive của Bearport. Thống kê cho thấy, Grum có 6 singles từng lọt vào Top 10 Beatport và có tổng cộng 31 sản phẩm nằm trong Top 100 Beatport.
Thứ âm nhạc mà Grum mang tới cho khán giả vừa đúng tinh thần Anjunabeats, lại vừa có những nét riêng mang đậm dấu ấn cá nhân.
Bên cạnh đó, trong những set nhạc của mình, đặc biệt là những set nhạc dài hơi, âm nhạc của Grum được pha trộn bởi nhiều yếu tố âm nhạc. Việc lồng ghép màu sắc trong cùng một set nhạc giúp Grum mang tới cho người nghe một chuyến du hành qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, đôi khi u tối, buồn bã với House, "công nghiệp nặng" với Techno, vui tươi cùng Disco hay sáng bừng năng lượng với Trance. Nói về chàng DJ đến từ Scotland, tờ tạp chí DJ nổi tiếng – DJ Mag từng bình luận rằng Grum là "cú chạm ma thuật" (nguyên văn: Magic Touch).
Album đầu tiên của DJ Grum dưới tư cách nghệ sĩ nhà Anjuna có tên gọi Deep State, dự kiến ra mắt vào mùa thu 2019.
"Với cá nhân tôi, âm nhạc là thứ duy nhất khiến tôi tiếp tục dù nó ở hình thái nào đi chăng nữa. Tôi định nghĩa âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu, là cách mà mọi người đến từ những nền văn hóa khác nhau, có tiếng mẹ đẻ khác nhau, có thể kết nối với nhau thông qua sự chia sẻ, cảm thông" - Grum chia sẻ.
Ngày 14/6/2019, với một set nhạc kéo dài 3 giờ đồng hồ tại Hà Nội, DJ Grum hứa hẹn sẽ mang tới cho khán giả những trải nghiệm cực kỳ khó quên bởi thứ âm nhạc đầy mê hoặc của bản thân, của Anjunabeats. Một mảnh ghép nữa, một "cơn gió lạ" chắc chắn sẽ làm tươi sáng thêm bức tranh EDM đang dần được định hình tại thị trường âm nhạc vốn trước đây chưa thực sự là điểm đến hứa hẹn như Việt Nam...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ phú Mỹ tuyên bố quay lưng với Đàm Vĩnh Hưng vì vụ kiện 'mất vài ngón chân', Mr.Đàm tỏ thái độ lạ
Thanh Thuỷ vừa đăng quang Hoa hậu Quốc tế đã lộ giấy đăng ký kết hôn?
Lưu Gia Linh hoàn toàn sụp đổ, hình ảnh vụ bắt cóc năm xưa bị rò rỉ, hé lộ sự thật việc không có con sau gần 20 năm kết hôn với Lương Triều Vỹ
Ngọc Trinh diện bikini, không ngại để lộ dấu vết 'phạm tội'
Jang Dong-gun nên duyên cùng Kim Hee-ae trong phim "Gia đình hoàn hảo"
Bạn gái mới Hồng Thanh vội khóa trang cá nhân sau khi bị 'bóc mẽ' chuyện 'phông bạt', sống ảo