Văn hóa

Bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên Hoàng Su Phì

Chợ phiên Hoàng Su Phì (thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã tồn tại khoảng 200 năm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh. Đây là chợ phiên còn lưu giữ được những hương vị núi rừng đặc sản, độc đáo của vùng cao Hà Giang, được đánh giá là phiên chợ vùng cao còn giữ nhiều nét văn hóa nguyên bản.

Đêm nhạc kết nối trái tim ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 / Làng giải trí Hàn Quốc lao đao khi số ca nhiễm COVID-19 không ngừng leo thang

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này, vừa qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức Lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Văn hóa nguyên bản “xuống chợ”

Không biết chính xác chợ phiên Hoàng Su Phì có từ bao giờ, nhưng đối với đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí… sinh sống nơi đây thì chợ phiên quan trọng lắm. Không chỉ đến chợ để buôn bán trao đổi sản vật mà đồng bào ở đây còn coi chợ phiên là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người ở bản xa với nhau.

Cho-phien-Hoang-Su-Phi-1801-1628503363.j

Chợ phiên Hoàng Su Phì mang một không gian văn hóa đặc sắc riêng từ các dân tộc khác nhau (Ảnh: TL)

Có thể nói, chợ phiên Hoàng Su Phì mang một không gian văn hóa đặc sắc riêng từ các dân tộc khác nhau và chính nét đặc sắc này đã được bà con mang theo xuống chợ, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của chợ phiên vùng cao.

“Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Áo có thể chưa đủ ấm, tiền có thể chưa có nhiều nhưng bà con lại không thể vắng mặt trong mỗi phiên chợ”, đại diện UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết.

Chợ phiên Hoàng Su Phì được họp đều đặn vào mỗi buổi sáng Chủ nhật, kéo dài từ sáng sớm cho đến giữa trưa thì tan. Đặc biệt, chợ không ồn ào, người bán kẻ mua rất nhẹ nhàng, như thể họ đến chợ chỉ để ngắm nhìn chốn đông người để rồi lại trở về với bản làng xa xôi của mình. Đó chính là cái hay, là thứ văn hóa chợ vùng cao nguyên thủy, đồng bào các dân tộc đến chợ để gặp nhau nói vài câu chuyện rồi về.

Tại chợ phiên, mọi hoạt động mua bán chính lại chủ yếu diễn ra dọc trên con đường chạy cắt ngang ngay trước cổng. Đây là điểm khác biệt rõ rệt của Chợ phiên Hoàng Su Phì với Chợ phiên Đồng Văn hay chợ phiên ở nhiều nơi.

Khác hẳn với miền xuôi, ở miền núi đường giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, dân cư thưa thớt, nên mỗi buổi chợ phiên lại càng trở nên đông đúc và là ngày hội của bà con các dân tộc.

 

Ví như các bà, các chị người Mông, Dao gùi vài chục cây số xuống chợ chỉ để bán dăm mớ rau dớn, rau tầm bóp… Mặc dù tan chợ ế hàng nhưng họ vẫn cười vui vẻ như tìm được thứ gì đó quý giá lắm ở đây.

Đặc biệt, chợ phiên Hoàng Su Phì có một hương vị rất riêng, mang đặc trưng của núi rừng. Đó là mùi mắc khén vương vít cùng những cô gái Dao từ xã Bản Luốc mang xuống chợ để bán. Hay như mùi thơm cay thoang thoảng của thảo quả khi các cô gái Mông ở xã Sán Xả Hồ gùi xuống chợ.

Bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên

Hiện nay, xã hội phát triển cùng nhau hòa nhập, dân tộc Kinh đã bắt đầu chuyển hướng lên vùng cao khai thác kiếm kế sinh nhai, còn người dân tộc thiểu số lại di chuyển xuống núi giao lưu làm kinh tế với dân tộc miền xuôi. Điều này phần nào làm ảnh hưởng tới nét văn hóa nguyên bản vốn có của người dân tộc thiểu số nơi vùng cao, trong đó có văn hóa chợ phiên.

Để phát huy tiềm năng của chợ phiên Hoàng Su Phì, thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã triển khai phương án bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên nhằm mục đích tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa, mua bán ở chợ phiên vùng cao.

 

Tai-hien-phien-cho-3275-1628503363.jpg

Quang cảnh một phiên chợ vùng cao được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: TL)

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã triển khai tới các đơn vị trực thuộc, phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện xây dựng các chương trình du lịch chuyên đề về chợ phiên trong du lịch vùng cao.

Đồng thời, tăng cường thông tin, quảng bá giới thiệu đến các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch về sản phẩm và thời điểm họp chợ để lựa chọn, sắp xếp chương trình du lịch cho phù hợp. Không chỉ vậy, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các chợ phiên. Ngoài ra, phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương phục vụ du khách… góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Song, để giữ được những nét văn hóa truyền thống của các phiên chợ vùng cao trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại không chỉ là vấn đề của tỉnh mà cần được sự quan tâm của các cấp, ban ngành.

Trở lại với với việc tổ chức Lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có thể thấy, hoạt động này diễn ra nhằm giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, tăng cường, quảng bá, phát huy hình ảnh chợ phiên truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

 

Từ đó, từng bước củng cố, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong công tác bảo tồn. Đồng thời, phát huy văn hóa chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới tác động của nền kinh tế thị trường.

Cũng trong dịp này, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn diễn ra chuỗi hoạt động với chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc”. Theo đó, nhiều hoạt động chợ phiên được tổ chức phục dựng.

“Tổ chức phục dựng hoạt động chợ phiên là bảo tồn một cách khoa học đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc, tạo thành những mô hình phát triển du lịch hiệu quả thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương”, bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc nhận xét.

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động này là chợ phiên vùng cao "Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang". Với những ai chưa có dịp đến với Hoàng Su Phì thì đây là cơ hội hiếm có để tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo cùng các nghi lễ, phong tục truyền thống của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phiên chợ thu nhỏ quy mô và không diễn ra như mong muốn nhưng những hình ảnh đặc trưng và đậm nét văn hóa nguyên bản của chợ phiên Hoàng Su Phì vẫn được diễn ra đầy đủ và chân thực.

 

Đáng chú ý, một số lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc huyện Hoàng Su Phì cũng được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như: Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ mở kho xin giống của đồng bào dân tộc La Chí,…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm