Cần đưa giáo dục phòng, chống tham nhũng vào sâu hơn nữa trong trường học
63 địa phương ủng hộ chủ trương lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực / Kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại Hà Nội
Phát biểu khai mạc tọa đàm “Giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới”, sáng ngày 19/10, ông Đinh Đức Thọ - Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, cùng với việc Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác PCTN, lãng phí.
Trong đó, nghị quyết đặt ra yêu cầu “đưa nội dung Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài”. Trên cơ sở đó, năm 2009, Thủ tướng đã phê duyệt đề án “Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”.
Sau thời gian thí điểm, năm 2013, Thủ tướng ra Chỉ thị 10 để triển khai đề án này trên phạm vi cả nước. Từ Đại hội XIII đến nay, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, với cách tiếp cận mới xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa. Công tác PCTN có những chuyển biến mạnh mẽ.
Theo PGS, TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh Tòa án nhân dân tối cao, các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng đã giáo dục về PCTN nhưng chưa có đánh giá, tổng kết. Trong khi, giáo dục PCTN trong xã hội rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh mà mạng xã hội, công nghệ thông tin... đang bùng nổ.
“Giáo dục về PCTN đã được đề cập từ rất lâu. Trong nhà trường thì đây cũng không phải là nội dung mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng nội dung này cần được tích hợp vào tất cả các môn học. Có thể là có một giáo trình riêng, chuyên sâu và mở rộng kết nối vào tất cả các nội dung học. Đối với nội dung liên quan đến giáo dục về PCTN, cần xem xét từ cả hai góc độ nhà trường và xã hội”, ông Độ nói.
Cụ thể, theo ông Độ, môn học nào cũng có thể xen kẽ, lồng ghép khéo léo những nội dung liên quan đến PCTN, ở nhiều cấp học khác nhau. Khi xây dựng bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, ban soạn thảo đã xác định liêm chính bao gồm thanh liêm và chính trực, không lợi dụng địa vị để thu lợi. Nếu không thanh liêm thì rất khó để chính trực. Để liêm chính, cần phải xây dựng, giáo dục.
Nhìn rộng hơn, đó là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, cần phải nuôi dưỡng văn hóa liêm chính. Ví dụ, nếu lương quá thấp, không đủ sống, làm sao để liêm chính? Nhà nước cũng cần phải suy nghĩ về vấn đề làm sao để cán bộ, viên chức có thể sống được bằng mức lương của mình, chứ không phải bằng thu nhập. Liêm chính không phải là một tiêu chuẩn duy nhất về đạo đức mà là một tiêu chuẩn mang tính đạo đức, có ý nghĩa hệ thống và đây là trách nhiệm của toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh thêm, giáo dục văn hoá liêm chính cần phải đặt trong một cội nguồn gốc rễ sâu sắc. Đó là yếu tố cấu thành giá trị văn hoá của con người. Ngay cả nghề dạy pháp luật cũng rất thấm câu nói của một nhà triết học nổi tiếng rằng “nếu chúng ta điều chỉnh tất cả mọi thứ bằng quy phạm pháp luật thì sẽ tạo ra một xã hội hỗn loạn”.
Có nghĩa là muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ giáo dục tư tưởng, tư cách nhân phẩm con người. Tại sao Nhật Bản có thể phát triển từ một đất nước hoang tàn sau chiến tranh thế giới thứ hai thành một cường quốc như hiện nay? Bởi vì người ta đã rất quan tâm đến việc đào tạo tư duy sáng tạo.
Giáo dục phải cầm cương bằng những nhóm tinh hoa trách nhiệm có thể tạo ra những giá trị nền tảng. Nếu không làm được như thế thì giáo dục PCTN chỉ là khẩu hiệu. Chống tham nhũng chỉ là hệ quả vì nếu con người tử tế, tôn trọng giá trị nhân nghĩa, sống vì mọi người… thì sẽ không có tham nhũng.
“Chúng ta gần đây đang nói về trí tuệ nhân tạo và lúc này các quốc gia cũng đang xây dựng những bộ quy tắc đạo đức để kiểm soát trị tuệ nhân tạo. Nói thế để thấy văn hóa, đạo đức, liêm chính phải là gốc của chính sách PCTNTC”, bà Quế Anh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo