Chấm điểm nhan sắc mỹ nhân Tây du ký
Đinh Bạt Tuy: Vị anh hùng quyết không thờ hai vua (Phần 1) / Voi giúp dân đánh đuổi tê giác hung dữ trở lại rừng
Nhắc đến các bộ phim Tây du ký, không thể không nhắc đến các mỹ nhân trong phim. Dù chỉ xuất hiện trong 1 vài tập, không phải là nhân vật chính nhưng họ cũng khiến khán giả nhớ mãi không quên. Hãy cùng điểm lại và “cân đo” nhan sắc của những gương mặt giai nhân tuyệt sắc qua các phiên bản Tây du ký điện ảnh và truyền hình trong suốt gần 30 năm qua.
1. Tây Lương nữ vương – Chu Lâm
Tây du ký phiên bản truyền hình năm 1987 là tác phẩm kinh điển trong lòng khán giả. Bên cạnh 4 nhân vật chính đã trở nên vô cùng quen thuộc với người người, thì hình ảnh Tây Lương nữ vương do nữ diễn viên Chu Lâm thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc. Nét đẹp ngọt ngào, đằm thắm, lỗi diễn xuất mềm mại, tự nhiên… đã giúp Chu Lâm trở thành nữ diễn viên tỏa sáng nhất trong bộ phim này.
Tình ý của nhân vật Tây Lương nữ vương dành cho Đường Tam Tạng trong tập phim “Tây Lương nữ quốc” được Chu Lâm thể hiện ấn tượng, cuốn hút… không chỉ giúp cô đi vào lòng khán giả, mà còn giúp tập phim này trở thành một trong những tập phim được yêu thích nhất. Nhiều năm sau, có rất nhiều nữ diễn viên đã thể hiện qua vai Tây Lương nữ vương, nhưng chưa có một ai có thể để lại ấn tượng sâu sắc như Chu Lâm.
2. Thỏ Ngọc – Lý Linh Ngọc
Lý Linh Ngọc, nữ diễn viên đóng đúp vai Thỏ Ngọc – công chúa nước Thiên Trúc cũng gây được ấn tượng sâu sắc với khán giả bởi nét đẹp trong sáng, rạng ngời và một chút lai lai, rất đúng chất của người con gái Tây Á.
Trong phim, Lý Linh Ngọc vừa thể hiện nàng công chúa u buồn, héo hắt, nàng thỏ ngọc xinh tương, rạng rỡ và 1 chút ma quái, thêm một vài phân cảnh bắt chước con khỉ cho giống Tôn Ngộ Không. Nếu nét đẹp của nữ vương Chu Lâm đằm thắm, dịu dàng bao nhiêu, thì Thỏ Ngọc của Lý Linh Ngọc, lại linh động, hoạt bát bấy nhiêu. Cả 2 được coi là đệ nhất mỹ nhân, kẻ tám lạng người nửa cân trong dàn mỹ nữ của Tây du ký 1987.
3. Tử Hà tiên nữ - Chu Ân
Trong phim điện ảnh Đại thoại tây du, Chu Ân, nữ diễn viên Hồng Kông đảm nhận vai Tử Hà tiên nữ, là người tình của nhân vật Tôn Ngộ Không do Châu Tinh Trì thể hiện. Ngoại hình nhỏ nhắn, gương mặt xinh đẹp, thoáng buồn, thoáng vui, giọng nói thanh thoát, Chu Ân được đánh giá là rất có khi chất của nàng tiên nữ.
Dù tác phẩm Đại thoại tây du không phải là bộ phim bám sát theo nguyên tác, nhưng Chu Ân vẫn được coi là mỹ nhân trong danh sách phái đẹp của các loạt phim Tây du ký.
4. Bạch Cốt Tinh – Hàn Tuyết
Nhân vật Bạch Cốt Tinh được coi là một trong những nhân vật yêu quái nổi bật của bộ phim, được đầu tư khá kỹ về diễn viên cũng như tạo hình. Tuy nhiên, Bạch Cốt Tinh do người đẹp Hàn Tuyết trong phiên bản Tây du ký 2009 do đài truyền hình Triết Giang thực hiện, nổi bật hơn hẳn các phiên bản Bạch Cốt Tinh khác. Bởi trong phim này, ngoài là một yêu quái muốn hại Đường Tăng, Bạch Cốt Tinh còn có một mối tình khắc cốt ghi tâm từ tiền kiếp với Tôn Ngộ Không. Bạch Cốt Tinh của Hàn Tuyết cũng khá khác biệt, bởi sự lụy tình, mong manh, yếu đuối. Đó là lý do khán giả khó có thể quên Bạch Cốt Tinh của Hàn Tuyết.
5. Quan Âm Bồ Tát – Lưu Đào
Càng về sau, vai diễn Quan Âm Bồ Tát càng được các sản xuất, đạo diễn đầu tư hơn. Các diễn viên thể hiện vai diễn Phật bà này ngày càng trẻ trung, xinh đẹp và có khí chất phù hợp hơn. Trong đó, Lưu Đào, trong vai Quan Âm Bồ Tát của Tân tây du ký của đạo diễn Trương Kỷ Trung được đánh giá là giai nhân nổi bật.
Không phục sức lộng lẫy hay thay đổi nhiều tạo hình, nhưng vai diễn Quan Âm Bồ Tát của Lưu Đào toát lên nét hồn hậu, quý phái mà không phải ai cũng có được. Khán giả đều nhận định, Quan Âm Bồ Tát của nữ diễn viên này là phiên bản đẹp nhất trong tất cả các tác phẩm Tây du ký.
6. Tây Lương nữ vương – Thư Sướng
Nhân vật Tây Lương nữ vương trong Tân Tây du ký được xây dựng hoàn toàn khác biệt so với phiên bản 1987, khiến khán giả không khỏi bất ngờ. Tây Lương nữ quốc của thế kỷ 21 trẻ hơn nhiều so với nguyên tác, tựa như một thiếu nữ mới lớn, nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan, non trẻ và hiếu kỳ.
Tấm tình của Tây Lương nữ vương với Ngự Đệ cũng được miêu tả khá thoáng qua, không để lại nhiều ấn tượng như những phiên bản trước. Tuy nhiên, bỏ qua những điều đó, nếu chiếu theo ý đồ của đạo diễn, Thư Sướng được coi là thể hiện rất tốt vai diễn này. Cô không chỉ trẻ trung, xinh đẹp, mà còn diễn tả rất tốt nét hồn nhiên, đáng yêu, ngây thơ của nàng nữ vương.
7. Đoạn tiểu thư – Thư Kỳ
Tây du ký – mối tình ngoại truyện của Châu Tinh Trì liên tục gây tiếng vang trong làng giải trí châu Á. Cũng dựa trên cốt truyện Đường Tăng thu phục các đệ tử và đến Tây Thiên thỉnh kinh, nhưng lần này, Châu Tình Trì đã đưa vào Tây du ký một nhân vật nữ chính: Đoạn tiểu thư. Không có tên cụ thể, nhưng nhân vật pháp sư trừ ma Đoạn tiểu thư do Thư Kỳ thể hiện lại khiến khán giả không thể nào quên. Nét đẹp gợi cảm và có phần hoang dại của Thư Kỳ rất hợp với khi chất của một nữ pháp sư bản lĩnh, mạnh mẽ, trời không sợ, đất không sợ. Nhưng đến khi Đoạn tiểu thư đem lòng yêu Trần Huyền Trang mà trở nên dịu dàng, mực thước, Thư Kỳ khiến khán giả phải ngất ngây với đoạn phim múa dưới ánh trăng. Là thế hệ mỹ nữ mới nhất của loạt phim Tây du ký, Thư Kỳ đã xuất sắc nhập vai để khán giả không thể nào quên cô, dù thực tế, nhân vật Đoạn tiểu thư hoàn toàn không có trong nguyên tác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo