Văn hóa

Chủ tịch Quốc hội trao quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam

DNVN - Tối 14/5, tại Khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự lễ khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch Hà Nam năm 2023 với chủ đề "Hà Nam - Hành trình kết nối" và trao quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam.

ThankTrip: Nền tảng thiết kế kỳ nghỉ, chuyến du lịch trọn gói theo yêu cầu / Mất khách du lịch vì tư duy kinh doanh cơ hội, chụp giật

Phát biểu khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch Hà Nam năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh, Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, quý báu mang đậm bản sắc vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đến với Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Hà Nam 2023, các đại biểu và du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, lễ hội khinh khí cầu...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự lễ khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch Hà Nam năm 2023.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam gồm: Bia đá chùa Giàu và Trống đồng Tiên Nội 1.

Bia đá chùa Giàu nằm trong khuôn viên chùa Giàu tại thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, được dựng vào năm 1366, khắc nổi chân dung một vị Hoàng đế thời Trần.

Đây là tấm bia cổ duy nhất có niên đại thời Trần, thể hiện nghệ thuật trang trí độc đáo và nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, địa danh hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng thời Trần.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam gồm: Bia đá chùa Giàu và Trống đồng Tiên Nội 1.

Trống đồng Tiên Nội 1 là hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Mặt trống có hoa văn trang trí là sự kết hợp của các hoa văn kỷ hà và hoa văn tả thực. Vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá.

Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt trống Tiên Nội 1, với niên đại dự đoán trong khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ III trước công nguyên.

Tiêu bản Trống đồng Tiên Nội 1 rất có giá trị để nghiên cứu về kỹ thuật đúc đồng, sự thành thạo trong pha trộn hợp kim của cư dân Lạc Việt; trang trí trên trống biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng của cư dân Việt cổ hơn 2.000 năm trước.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm