Văn hóa

Hình thành “Tủ sách Huế” để quảng bá văn hóa Huế

DNVN - Thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, người yêu thích sách ở Huế vui mừng khi hay tin Huế đang xây dựng đề án “Tủ sách Huế”. Đề án ra đời với mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc. Từ đó, giới thiệu những cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục, văn hóa của vùng đất Cố đô.

Chương trình Huế - Countdown 2021 xã hội hoá 100%, đề xuất tiếp tục tổ chức tại ngã 6 Hùng Vương / Khai mạc Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020

Nơi lưu giữ "kho báu" các loại sách quý

Ở Huế, ngoài hệ thống thư viện nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là “kho báu” với rất đầu loại sách chuyên đề vô cùng giá trị. Những tủ sách này được những người yêu sách gìn giữ đến ngày hôm nay và xem đó như bảo vật của gia đình.

Không thể không nhắc đến tủ sách của gia đình thầy giáo Nguyễn Hữu Châu Phan (đường Nguyễn Huệ, TP. Huế) với hơn 10.000 cuốn được gây dựng từ thời cụ thân sinh là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính. Tiếp đó là nguồn sách do thầy Phan gom góp, sưu tầm. Tủ sách ấy đầy đủ các danh mục từ lâm học, khoa học nhân văn, mỹ thuật, nhưng đặc biệt vẫn là nhiều bộ sách quý về Huế với nhiều thứ tiếng.

Còn rất nhiều tư gia khác có tủ sách riêng cho gia đình và xem đó là “của cải” cất giữ cho các thế hệ con cháu mai sau. Bên cạnh đó, nhiều ngôi chùa, tu viện trên địa bàn Huế đang sở hữu nhiều tủ sách với các kho sách quý chuyên về tôn giáo.

Triển lãm về những cuốn sách quý trong một lần được tổ chức tại Huế.

Triển lãm về những cuốn sách quý trong một lần được tổ chức tại Huế.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đề án, cho biết, việc lập “Tủ sách Huế” là một trong những định hướng lớn của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, không chỉ hệ thống thư viện, mà có rất nhiều tủ sách gia đình đồ sộ, trong đó có nhiều cuốn sách hay, quý ở nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình xây dựng đề án, Sở sẽ thực hiện kế hoạch tổng thể, từ việc mời gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

“Sở cũng sẽ nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ trong việc bảo quản, lưu giữ để phát huy hiệu quả, giá trị của Tủ sách Huế”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn, chia sẻ.

Trong khi đó, theo Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), ông cảm thấy rất vui khi nghe được thông tin Huế đang xây dựng đề án “Tủ sách Huế”. Điều này cho thấy sự quan tâm, và xa hơn là việc bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán.

 

“Tôi nghĩ rằng, nhiều người sở hữu các tủ sách, cuốn sách quý, ai cũng muốn một ngày sẽ công bố, đưa ra với công chúng. Nhưng quan trọng, là cách ứng xử, đón nhận của chúng ta với cuốn sách, với những người sưu tầm đó ra sao. Đằng sau mỗi cuốn sách là một hành trình, là sự trân trọng mà người sưu tầm dành hết tâm huyết vào đó. Nếu tỉnh làm được việc này bằng tất cả sự trân trọng và bài bản, tôi tin người ta sẽ hưởng ứng”, Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, khẳng định.

Nhiều ý nghĩa nhân văn từ việc xây dựng “Tủ sách Huế”

Theo đề án thì việc xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán. Trong quá trình xây dựng đề án này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể, từ việc mời gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ trong việc bảo quản, lưu giữ để phát huy hiệu quả, giá trị của “Tủ sách Huế”. Và việc số hóa các đầu sách là một ví dụ.

Ở Huế hiện có rất nhiều tủ sách quý của các họ tộc.

Ở Huế hiện có rất nhiều tủ sách quý của các họ tộc.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, ý tưởng về xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm hướng đến 3 mục tiêu. Thứ nhất là giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, những đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng. Thứ hai, đây là cơ hội khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. Thứ ba, là thông qua tủ sách này, xây dựng món quà tặng mang ý nghĩa nhân văn của người Huế tặng cho du khách thập phương khi đến Huế. Khi đó, sách sẽ trở thành quà tặng.

Những tác phẩm, tác giả được tuyển chọn tham gia “Tủ sách Huế” là những tác phẩm có giá trị, được Hội đồng thẩm định và tuyển chọn chuyên ngành do tỉnh lập để lựa chọn một cách khách quan, công tâm. Hội đồng này tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Phú Xuân - Huế từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ Trung ương, địa phương. Hiện kho tàng tư liệu về văn hiến Phú Xuân - Huế trong và ngoài nước còn nhiều và cần được tiếp tục khai thác, bổ sung để cung cấp cho bạn đọc những nội dung, kiến thức, câu chuyện phong phú, toàn diện, đa chiều về mảnh đất Cố đô này.

Cũng theo ông Phan Ngọc Thọ, “Tủ sách Huế” sẽ có con dấu nhận diện, logo nhận diện, giống như đặc sản Huế - ai đã được đóng dấu nhận diện rồi xem như có giá trị vì đã được hội đồng thẩm định của tỉnh ghi nhận. Còn đối với việc in sách nào tùy thuộc vào việc huy động nguồn lực, tùy thuộc vào hội đồng thẩm định, vào nhà xuất bản… Khi đã hình thành “Tủ sách Huế”, tỉnh sẽ có những cuộc đấu giá những đầu sách quý, hiếm, có không gian trưng bày và giới thiệu sách Huế, có không gian đường sách Huế thật ý nghĩa.

Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo sở, ngành liên quan cho sưu tầm một thư mục về sách Huế. Tức là các đầu sách đang nằm ở các nước, trong nước, tại các thư viện, nhà dân đều được lên danh sách và phân loại công phu, huy động sự tham gia xã hội hóa của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định sẽ tuyển chọn theo từng giai đoạn, từng chủ đề.

 

Có thể đây là cây thư mục quan trọng, phân theo tuyến thời kỳ theo thứ tự thời các vua chúa, thời kỳ trước 1945, trước 1975, sách thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ, sách thời kỳ đương đại, sách nằm ở thư viện các nước, sách đang nằm ở các thư viện tư nhân… Bước tiếp theo là triển khai thi và xây dựng logo nhận diện “Tủ sách Huế”, đồng thời thiết kế để phát huy vai trò logo ấy.

“Tôi sẽ viết thư ngỏ kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp đầu sách cho “Tủ sách Huế”. Cùng với đó, sẽ xây dựng một nguồn quỹ cho “Tủ sách Huế”, để huy động nguồn lực cho việc hình thành, in ấn, phát hành, nuôi dưỡng “Tủ sách Huế””, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, chia sẻ.

Trạm đọc sách miễn phí – văn hóa đọc sách của bạn trẻ Huế.

Trạm đọc sách miễn phí – văn hóa đọc sách của bạn trẻ Huế.

Hình thành “Tủ sách Huế” là việc làm thiết thực và cần thiết để giữ gìn văn hóa đọc trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, đồng thời tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách; nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

 

Thông qua “Tủ sách Huế” cũng sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người xứ Huế, những giá trị đã được chắt lọc và thể hiện trên từng cuốn sách, có giá trị trường tồn mãi với thời gian.


Tâm An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm