Chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng: Lấy hình mẫu Chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế để nhân rộng

DNVN – Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, tuy nguồn lực còn nhiều hạn chế, nhưng Thừa Thiên Huế đã xây dựng được Chính quyền điện tử theo lộ trình từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; là thủ phủ, là địa phương tiên phong của CNTT, công nghệ số. Đây là cơ sở để Bộ đưa các địa phương khác đến học hỏi, nhân rộng mô hình.

Thừa Thiên Huế: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ / Thừa Thiên Huế: Trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên và Nhi đồng năm 2020

Hơn 10 năm triển khai Chính quyền điện tử

Ngày 24/12, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm trưởng đoàn, cùng nhiều doanh nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu Việt Nam, đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, về kinh nghiệm xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT).

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong hơn 10 năm triển khai CQĐT. Theo đó, tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ CQĐT sang Chính quyền số, xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông đồng bộ. Tỉnh đang dần hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở TTTT nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ Đô thị thông minh.

Hơn 10 năm, Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đem lại dịch vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Hơn 10 năm, Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đem lại dịch vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, người dân được tiếp cận các ứng dụng và nhà nước sẵn sàng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Đô thị thông minh. Hiện nay, trong các dịch vụ Đô thị thông minh cung cấp thì dịch vụ phản ánh hiện trường được người dân hưởng ứng và sử dụng nhiều nhất. Các dịch vụ ứng dụng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

“Là địa phương còn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, nhưng nhờ sự quan tâm thường xuyên của người đứng đầu, mức độ sẵn sàng của các đơn vị trong việc tiếp cận, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý gắn với việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, nên tỉnh đã xây dựng và phát triển thành công Đô thị thông minh như hiện nay theo nhu cầu quản lý”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định.

Theo ông Thọ, để xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm CNTT của cả nước, một thuận lợi quan trọng là tỉnh đã được kết nạp vào chuỗi Công nghệ phần mềm Quang Trung. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng hạ tầng nhằm mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Huế. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo khoảng 10.000 kỹ sư CNTT đến năm 2025.

“Tỉnh đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển hạ tầng CNTT; huy động, thu hút đầu tư CNTT vào tỉnh, từng bước hình thành trung tâm CNTT tại Thừa Thiên Huế”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, nhấn mạnh.

Học hỏi, nhân rộng từ Huế

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng ghi nhận, đánh giá cao quá trình xây dựng CQĐT của Thừa Thiên Huế. Ông cho rằng, Huế có nhiều điểm sáng, nhiều ý tưởng tốt trong xây dựng CQĐT để nhân rộng.

“Huế là thủ phủ, là địa phương tiên phong của CNTT, công nghệ số, xây dựng CQĐT, do đó cần phải tổ chức những hội nghị, hội thảo mang tầm cỡ quốc gia tại Huế. Trước mắt, trong năm 2021, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Thừa Thiên Huế tổ chức một hội thảo về công nghệ số trong văn hóa và du lịch”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cùng nhiều doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng cùng nhiều doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ.

Thứ trưởng Dũng cũng cho biết, trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã xác định triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với hàng chục nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó cần: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng, phát triển CPĐT; xây dựng nền tảng phát triển CPĐT; bảo đảm gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân... nhằm phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số từ nay đến năm 2025 tại Việt Nam.

Về nguồn lực, Chính phủ huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng CPĐT, CQĐT theo hình thức thuê dịch vụ CNTT trọn gói do các doanh nghiệp CNTT cung cấp. Và Thừa Thiên Huế là địa phương như vậy - nguồn lực tuy hạn chế nhưng đã xây dựng được CQĐT theo lộ trình từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Tỉnh cũng đã sớm triển khai thực hiện phương châm “4 không, 1 có”: Làm việc không giấy; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt; dữ liệu có chuyển đổi số. Đây là cơ sở để Bộ TTTT đưa các địa phương khác đến học hỏi, nhân rộng.

“Thừa Thiên Huế cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng CNTT, cung cấp nhiều dịch vụ Đô thị thông minh, cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, cần xác định đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng CNTT - dữ liệu lớn (Big Data), chuyển đổi số, nguồn nhân lực là những vấn đề lớn, mang tính quyết định. Đồng thời, có lộ trình xây dựng phòng máy chủ lên điện toán đám mây với tiêu chuẩn bảo mật cao hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng gợi mở.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm