Khi chiếc chân giả trở thành đôi cánh để lan tỏa yêu thương
Top 10 nữ ca sĩ K-Pop đẹp nhất năm 2024: BLACKPINK áp đảo / Lưu Thiên Hương tung 8 ca khúc mới dành riêng cho Bella Vũ
Từ một cô gái khỏe mạnh bình thường, Phạm Thiên Trang (sinh năm 1992 tại Quảng Ninh) bỗng phải gắn liền với chiếc chân giả sau một tai nạn. Mất đi công việc sau biến cố, mọi ước mơ đều dang dở ở lứa tuổi 25, nhưng Thiên Trang đã không chịu đầu hàng số phận.
Mặc dù mất đi một bên chân phải, cô gái ấy vẫn khát khao được lan tỏa yêu thương và những điều tích cực đến cộng đồng. Hành trình vượt qua nghịch cảnh của Phạm Thiên Trang sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương thứ Bảy ngày 19/10/2024 trên kênh VTV1.
Phạm Thiên Trang sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Ở lứa tuổi 25, Thiên Trang đã có công việc ổn định và ấp ủ dự định học lên Đại học để nâng cao trình độ, nối dài ước mơ.
Phạm Thiên Trang và hành trình vượt qua nghịch cảnh đầy xúc động
Trải qua 2 ca phẫu thuật cắt bỏ chân phải, 4 lần nhập viện và 1 lần điều trị phục hồi chức năng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Thiên Trang mất hơn 6 tháng để kết thúc quá trình đầy đau đớn đó. Nhưng từng ấy thời gian vẫn chưa thấm thoát là bao so với mất mát mà cô gái trẻ phải chịu đựng, có những lúc Trang muốn kết liễu cuộc đời.
Khi nhìn thấy mẹ vất vả từng ngày để chăm sóc mình, Thiên Trang đã quyết tâm không để mình trở thành gánh nặng. Từ tự ti, buồn tủi, cô gái 9X học cách chấp nhận cuộc đời mình thiếu một phần thân thể, và coi đó là thử thách để mạnh mẽ hơn.
Thương mẹ vất vả, không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, Thiên Trang tự học nghề, rồi kiếm tiền, nuôi sống bản thân. Đến nay, Thiên Trang còn có một công việc ổn định tại phân xưởng Cơ khí - Lắp máy - Xây dựng thuộc Công ty Môi trường - TKV để có nguồn thu nhập hàng tháng, tự lo cho cuộc sống của bản thân.
Sự xuất hiện bất ngờ của Phạm Đức Trung em trai của Trang đã mang đến nhiều câu chuyện cảm động và giúp khán giả hiểu hơn về hành trình nỗ lực của cô gái 9X này.
Không chỉ tự chăm lo bản thân, tìm kiếm công việc tự nuôi sống chính mình Phạm Thiên Trang còn là cô gái tràn đầy lòng trắc ẩn, có trách nhiệm với cộng đồng. Từ những biến cố xảy ra, Thiên Trang được chắp thêm niềm tin vào cuộc đời. Cô là chủ nhiệm CLB Thiện nguyện trẻ tỉnh Quảng Ninh, thành viên của CLB Giọt máu hồng Đất mỏ.
Ngoài ra, Thiên Trang còn xây dựng một nhóm làm thiện nguyện, thường tổ chức các chương trình quyên góp, ủng hộ cho bệnh nhân nghèo chữa bệnh và hỗ trợ mai táng cho những gia đình không có điều kiện. Năm 2023, Phạm Thiên Trang là người khuyết tật duy nhất nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.
Sự xuất hiện bất ngờ của Nguyễn Hồng Thanh - cô gái được Thiên Trang kêu gọi giúp đỡ phẫu thuật chỉnh xương cột sống đã giúp khán giả hiểu hơn về những cống hiến thầm lặng của Thiên Trang: “Cho đi là còn mãi, mình đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình kết nối những tấm lòng từ thiện, với mong muốn thể kết nối với tình nguyện viên khác, các tổ chức để xây dựng dự án thiện nguyện lớn hơn, ý nghĩa hơn”.
Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho Thiên Trang trên hành trình đầy nhân văn ấy.
Không chỉ là một tấm gương nghị lực, dám gạt đi những mất mát đau thương của bản thân để vươn lên giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, Thiên Trang còn đang chứng minh rằng: “Không chỉ lá lành mới đùm được lá rách” mà chính những chiếc lá, những mảnh đời không lành lặn cũng có thể vươn lên để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Sức mạnh của yêu thương không nằm ở sự toàn vẹn của cơ thể, mà ở trái tim biết san sẻ và đồng cảm”.
Câu chuyện về cô gái Thiên Trang, cô gái không may mắn khuyết đi một phần thân để nhưng vẫn tràn đầy tình yêu thương, lòng trắc ẩn cùng nhiều điều thú vị khác được truyền tải trong Trạm yêu thương chủ đề “Lấp lánh yêu thương”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo