MC Hoàng Linh kể về “kho báu” có được sau 13 năm gắn bó với người lính
“Parasite”: Dấu son lịch sử của điện ảnh Châu Á / Phương Thanh quyết tâm trở thành ca sĩ vì mẹ bị hàng xóm khinh thường
Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” sau 13 năm tồn tại đã “thay máu” bằng một hình thức thể hiện mới và một tên gọi mới. Bạn có kỷ niệm gì để kể về những năm tháng đồng hành với chương trình?
Kỷ niệm trong suốt 13 đồng hành cùng “Chúng tôi là chiến sĩ” thì kể suốt từ sáng đến tối vẫn không hết được. Vì trong 13 năm đó, tôi đã đặt chân đến hầu hết các quân, binh chủng trong toàn quân. Mỗi đơn vị đều có những đặc thù riêng trong công tác huấn luyện và đều để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt. Nhiều đơn vị như: tàu ngầm, đặc công, cảnh sát biển… họ thực sự để lại rất nhiều ấn tượng sâu sắc.
Tôi còn nhớ, có một lần vào ghi hình tại Lữ đoàn đặc công 429 trong Đồng Nai, các chiến sĩ hoá thân thành các địa hình - địa vật trên thao trường. Tức là họ sẽ nguỵ trang thành cây cỏ, đống than, núp mình dưới nước, núp mình trên cây… Lúc ra thao trường tôi hỏi thủ trưởng đơn vị “Bộ đội mình đâu hết rồi để triển khai quay?”, anh thủ trưởng bảo “Bộ đội của bọn anh sẵn sàng hết rồi, em cứ triển khai đi?”. Ngạc nhiên, tôi định đi lại hỏi thêm mấy người nữa thì thủ trưởng hốt hoảng: “Ôi, em đi lại cẩn thận kẻo dẫm phải bộ đội của anh bây giờ”. Lúc đó tôi mới nhận ra là các chiến sĩ đang núp ở những đống lá, đống than… xung quanh mình.
Hoặc lúc ghi hình với chiến sĩ hải quân, được trải nghiệm cầu sóng cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Một cảm giác bồng bềnh, bồng bềnh. Lên một hai lần đầu là toàn bị ngã lộn xuống đất thôi (cười), mãi đến lần thứ ba mới đứng được trên cầu sóng ấy.
Bản thân tôi là người có sức khoẻ khá tốt nên những chuyến công tác không làm tôi mệt mỏi mà nó mang đến cho mình cảm xúc rất háo hức để đến gần với các đơn vị, trải nghiệm công tác huấn luyện trên thao trường.
Nhưng để nói những chuyến đi nhớ nhất thì phải kể tới những chuyến đi đảo. Đi đảo Bạch Long Vĩ là “cho cá ăn nhiều nhất”, say sóng tới mức “mật xanh, mật vàng”. Đi đảo Trường Sa là chuyến đi nhiều háo hức và nhiều kỷ niệm mặc dù tôi đã đến Trường Sa 4 lần rồi. Với những người làm báo, được đến với đảo Trường Sa như là một cái gì đó rất thiêng liêng.
Mỗi lần ra đảo, chúng tôi không chỉ đến một đảo mà đến cả cụm đảo và cảm đến tới đâu lại càng cảm thấy trân trọng sự bình yên mà người đất liền đang có. Đến những đảo chìm hoặc nhà giàn thấy xung quanh là biển trời mênh mông. Và nghĩ rằng, những chiến sĩ ở đây, ý chí của và sự chấp nhận hy sinh của họ không thể nói hết bằng lời. Nghe những câu chuyện của các chiến sĩ ở đây lần nào tôi cũng khóc.
Tiếp xúc với những người lính thời bình, Hoàng Linh có cảm nhận gì?
Những trải nghiệm với bộ đội qua chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” rất vui vẻ và gần gũi. Bộ đội lúc đó đã bỏ qua những sự nghiêm khắc, chỉn chu và khuôn thước của người sĩ quan để hoà đồng với mọi người. Dường như đi tới đơn vị nào tôi cũng thấy các chiến sĩ của mình rất đáng yêu, hoà đồng và hào hứng với chương trình. Đi giữa các chiến sĩ, chúng tôi được xem như những “bông hoa” nên đi quay, đi làm… lúc nào cũng được chăm sóc từng li từng tí một. Đó là những kỷ niệm rất đẹp khi đồng hành với chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”.
Làm việc nhiều trong môi trường quân ngũ, Hoàng Linh thấy mình có thay đổi bản thân nhiều không?
Làm việc với quân đội tôi thấy mình chỉn chu và giờ giấc có kỷ luật hơn. Từ khi làm việc trong môi trường này, tôi cũng không thích những người sai giờ. Ngoài ra, chuẩn chỉnh về tác phong và phong cách sống nữa. Nhiều người ưu ái gọi bằng một biệt danh mà tôi cũng cảm thấy rất thích đó là “cô binh nhì của toàn quân”. Binh nhì là cấp hàm nhỏ nhất khi mới bước chân vào quân ngũ.
Điều mà Hoàng Linh có được sau 13 năm gắn bó với các cán bộ, chiến sĩ quân đội trong vai trò dẫn chương trình là gì?
Vì đơn vị nào tôi cũng đã đi qua nên quân phục của tôi nhiều vô cùng. Mặc không tính vì mỗi năm ghi hình tới 52 chương trình mà tới 13 năm liền thì không biết mặc bao nhiêu bộ. Nhưng để nói về “tài sản riêng” là những bộ quân phục được các đơn vị tặng từ trước đến nay cũng phải 40 - 50 bộ. Riêng quân hàm đeo ở cầu vai thì nhiều vô tận. Bảng tên cũng thế, rất nhiều bảng dập nổi hoặc in tên “Nguyễn Hoàng Linh” đều khá nhiều. Tôi xem tất cả những thứ này như là “kho báu” bất khả xâm phạm sau 13 năm gắn bó với chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”.
Ngoài kỷ niệm với các cán bộ, chiến sĩ… Hoàng Linh hẳn cũng sẽ có những kỷ niệm riêng với từng bạn dẫn từ những ngày đầu phát sóng chương trình?
Không chỉ có nhiều kỷ niệm với các chiến sĩ quân đội mà tôi cũng có nhiều kỷ niệm với các bạn dẫn nam. Các bạn dẫn đều được tôi đặt biệt danh riêng. Người có làn da “bánh mật”, rắn rỏi giống các chiến sĩ nhất là nhà báo Lại Văn Sâm (cười). Bạn dẫn có tác phong quân đội nhất, nam tính nhất là BTV Trần Quang Minh. Bạn dẫn ga lăng nhất, hỗ trợ và tương tác với mình tốt nhất là MC Bùi Đức Bảo. Bạn dẫn đẹp trai và nổi tiếng nhất là diễn viên Việt Anh. Ngoài ra, Quốc Duy cũng có dẫn chung với tôi một số chương trình khi thay Quốc Bảo. Quốc Duy là một bạn dẫn rất chịu khó học hỏi và rất cầu thị.
Để tổng kết lại 13 năm xuất hiện trên sóng truyền hình với “màu xanh áo lính”, Hoàng Linh sẽ nói gì?
Để tổng kết lại chặng hành trình 13 năm gắn bó với “Chúng tôi là chiến sĩ” tôi sẽ dùng 3 tính từ ngắn gọn: tự hào, trân quý và cảm phục. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được gắn bó 13 năm với sân chơi dành cho những người lính. Và dù chương trình có đổi tên gì đi chăng nữa thì nó cũng không quan trọng bằng việc nó phải tồn tại. Vì chắc chắn phải có một sân chơi tinh thần để động viên các chiến sĩ bộ đội mình.
Bên cạnh đó, tôi cũng luôn cảm thấy “trân quý” đối với các cán bộ, chiến sĩ. Bản thân khi tiếp xúc với các bác cựu chiến binh, tôi cũng trân trọng vô cùng. Một thời tuổi trẻ của họ đã dành cho quân ngũ để giành độc lập - tự do cho đất nước. Tôi cũng nhận thấy các chiến sĩ trẻ bây giờ rất văn minh. Tại các học viện, nhà trường… ngoài huấn luyện về quân đội các bạn ấy còn được học về văn hoá vì thế các bạn rất giỏi. Nói chung làm việc với các bạn ấy tôi rất thích.
Tôi cũng cảm thấy “cảm phục” sức chịu đựng, sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ. Đường binh nghiệp của mỗi người quân nhân để gặt hái được thành công và được mọi người ghi nhận thì rất tuyệt vời nhưng bên cạnh đó cũng có những người còn có nhiều cống hiến thầm lặng khác nữa.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo