Văn hóa

Vi phạm bản quyền báo chí ngày càng nghiêm trọng

DNVN - Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Facebook "siết" bản quyền: Giải pháp nào cho nhà sáng tạo nội dung tránh vi phạm?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới.

Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.

Phát biểu khai mạc hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” ngày 13/9, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay”.

Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh bảo vệ được quyền tác giả sẽ tạo động lực cho cơ quan báo chí đầu tư phát triển.

Theo bà Phạm Thị Thanh Huyền - Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn.

“Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý”, bà Huyền nói.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng trao đổi về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm