Vì sao Bộ Công Thương mới công bố kết quả kiểm tra 4/7 công ty đa cấp?
Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp của 7 doanh nghiệp đang gây sự chú ý của dư luận thời gian qua.
Theo Bộ Công Thương, ngày 21/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.
Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46).
Đến ngày 29/4/2016, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1675/QĐ-BCT nâng cấp Trưởng đoàn kiểm tra lên cấp Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh, đồng thời bổ sung thêm một số thành viên là đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, bao gồm: Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.
Và đến ngày 7/72016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Kết luận kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp thuộc danh sách kiểm tra với nhiều lỗi vi phạm là: Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết tri thức, Công ty cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.
Cụ thể, các công ty này sử dụng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không theo mẫu; tiến hành ký nhiều hợp đồng với cùng một nhà phân phối và cho phép một nhà phân phối có nhiều mã số; chưa giám sát hết toàn bộ hoạt động của các nhà phân phối dưới vai trò đại lý ký gửi hàng hóa ở các thị trường; chưa thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp theo quy định cho toàn bộ các nhà phân phối đã ký hợp đồng và thực hiện việc bán hàng đa cấp cho công ty...
Bên cạnh các lỗi trên, các doanh nghiệp này còn vi phạm quy định báo cáo định kỳ với các Sở Công Thương (nơi công ty có hoạt động bán hàng đa cấp).
Ví dụ, Công ty cổ phần Liên kết tri thức không cung cấp được bằng chứng đã gửi báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2015 đến các Sở Công Thương Bạc Liêu, Đà Nẵng; báo cáo định kỳ năm 2015 đến Sở Công Thương Tây Ninh. Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long cũng trong tình trạng tương tự; riêng Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện báo cáo tới 40 sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhưng lại thực hiện không đúng thời hạn.
Ngoài các dấu hiệu trên, cơ quan kiểm tra còn nhận thấy các DN có vi phạm liên quan đến thuế, gian lận khi kê khai danh sách nhà phân phối có mua hàng và được nhận hoa hồng; có dấu hiệu huy động tiền từ nhà phân phối, gian lận, vi phạm quy định của pháp luật về thuế.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tổng Cục thuế, Cục Quản lý thị trường và Bộ Công An để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền các vụ việc nói trên tùy theo tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm.
Trả lời báo chí trước thắc mắc vì sao mới chỉ công bố kết quả kiểm tra 4/7 doanh nghiệp đa cấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian kiểm tra của đoàn kiểm tra cấp Bộ dài hơn, bên cạnh kiểm tra hành chính đơn thuần, đoàn kiểm tra còn phải kiểm tra việc tổ chức mạng lưới bán hàng đa cấp như thế nào, ký kết hợp đồng ra sao… do đó, mất nhiều thời gian.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với đợt kiểm tra này, sau hơn 3 tháng tiến hành, đoàn kiểm tra đã có kết luận về 4 doanh nghiệp và 1 doanh nghiệp nữa đã đi vào quy trình cuối của quá trình kiểm tra. Nếu trừ ngày nghỉ thì mỗi doanh nghiệp cũng chỉ kiểm tra trong 15 ngày.
Nội dung kiểm tra rất nhiều, có nhiều nội dung phải về tận các tỉnh xác minh. Thời gian kiểm tra quan trọng nhưng chất lượng kiểm tra cũng quan trọng nên chúng tôi không quy định thời gian để bảo đảm kiểm tra hết lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm kết quả kiểm tra thật rõ ràng.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ cũng đang tiếp tục kiểm tra, làm rõ nội dung từng khiếu nại liên quan đến Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Amway Việt Nam. Riêng Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam được đưa ra khỏi diện kiểm tra do Bộ Công Thương chưa nhận được thêm khiếu nại nào của người tham gia bán hàng đa cấp đối với Công ty này kể từ khi bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt 110 triệu đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo