Vì sao Vietjet bán vé máy bay 0 đồng vẫn sống tốt?
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có cuộc trao đổi về đề xuất áp giá sàn vé máy bay trong chương trình Góc nhìn thẳng của VietnamNet.
Theo đó, nêu quan điểm về việc áp giá sàn vé máy bay, ông Thỏa cho rằng, hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang có tính cạnh tranh rất tốt. Càng có cạnh tranh, người tiêu dùng càng được hưởng lợi kể cả về mức giá, về điều kiện được phục vụ và về chất lượng phục vụ.
Theo vị này, ngành hàng không đang hoạt động bình thường, các hãng bay cũng đang hoạt động bình thường, tổng giá của các hãng vẫn bù đắp được chi phí sản xuất và vẫn có lãi thì tự nhiên, vì một lý do nào đó mà Nhà nước lại áp dụng giá sàn là không phù hợp.
"Cũng có ý kiến nói rằng, nếu không áp giá sàn thì các hãng sẽ cạnh tranh hạ giá rất thấp (dưới giá thành...), đua nhau khuyến mãi gây thiệt hại này nọ... Thế thì, chúng ta đã có Luật Cạnh tranh để khống chế việc đó", ông Thỏa nói.
Cũng theo ông Thỏa, tùy vào từng ngành kinh doanh khác nhau, gắn với hình thái thị trường có tính độc quyền nhất định, Nhà nước chỉ áp dụng cơ chế giá tối đa. Trong ngành hàng không cũng vậy, khi còn có những đường bay độc quyền, còn có những doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá tối đa để bảo vệ người tiêu dùng, không để các hãng định giá bán quá cao.
Trả lời vì sao hiện nay trong ngành hàng không vẫn thấy có những quảng cáo, khuyến mại... bán vé với giá 0 đồng. Ngay cả khi 0 đồng (Vietjet hãng hàng không nổi tiếng với việc bán vé 0 đồng - PV), nhưng doanh nghiệp vẫn sống được, ông Thỏa cho rằng, việc bán vé máy bay giá 0 đồng mà vẫn sống được thì đó là nghệ thuật phân hoá giá của các doanh nghiệp.
Theo ông Thỏa, doanh nghiệp có thể bán 0 đồng hay nhiều đồng, căn cứ vào nhu cầu, mùa vụ đi lại, ví dụ như ngày cao điểm, giờ cao điểm, mùa hè, mùa du lịch hay mùa bình thường... để phân hoá giá làm sao tổng giá của họ cuối cùng vẫn có lãi, đảm bảo bù đắp được chi phí.
"Nếu chỉ nói bán vé 0 đồng mà nói họ bán dưới giá thành thì đó lại là vi phạm Luật Cạnh tranh. Thế thì ở đây, tổng giá của họ vẫn có lãi và họ vẫn có một dải giá vé rất rẻ cho đến 0 đồng để tạo điều kiện người tiêu dùng có thu nhập thấp có thể tiếp cận được dịch vụ. Đó là việc của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Tôi cho rằng, Nhà nước rõ ràng không việc gì phải can thiệp vào việc doanh nghiệp như vậy", ông Thỏa nói.
Cũng theo vị này, việc áp khung giá vé máy bay chắc chắn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hành không sẽ được lợi. Người tiêu dùng sẽ không được tiếp tục sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn như hiện nay. "Đã quy định giá sàn như vậy, sẽ có những thiệt hại nhất định đối với xã hội", ông Thỏa nói.
Trước đó, hãng bay Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét và áp dụng mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, Jetstar đề xuất lấy chi phí vận hành trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Chi phí này bao gồm những chi phí cơ bản, trực tiếp liên quan đến phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho cùng một loại máy bay (không bao gồm các chi phi gián tiếp như chi phí quản lý, bán hàng…). Với cách tính này, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay giao động từ 29-34% giá trần.
Nói về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ không bao giờ đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào. Mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ.
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải tính đến bài toán kinh tế vừa tăng cường dịch vụ để người dân đi lại nhưng cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không tồn tại và phát triển. Cơ quan quản lý Nhà nước không bảo hộ cho một hãng hàng không”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo