Hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam – cầu nối hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN

Qua 9 kỳ hội chợ quốc tế Trung Quốc-ASEAN, Việt Nam luôn là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia đông nhất.

Thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây - nơi sẽ diễn ra Hội chợ quốc tế Trung Quốc - ASEAN

Vào ngày 2-3/9, Hội chợ quốc tế Trung Quốc-ASEAN chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự sự kiện này.

 
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước và 10 năm hội chợ là cơ hội tốt để tăng cường quảng bá hàng hóa hai nước, đặc biệt là hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN.
 
Để chuẩn bị cho kỳ hội chợ lần thứ 10 này, chính quyền tỉnh Quảng Tây, nơi đăng cai sự kiện, đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Mã Kế Hiến – Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây cho biết: Là nơi đăng cai tổ chức, Quảng Tây có những trách nhiệm lớn lao và cũng là vinh hạnh. Để tổ chức thành công hội chợ này, chúng tôi đã làm rất nhiều công tác chuẩn bị, như: Kêu gọi các doanh nghiệp của 10 nước ASEAN tham gia, giới thiệu tiềm năng của các nước với Trung Quốc, giới thiệu tiềm năng của Trung Quốc với các nước ASEAN, tổ chức các buổi giới thiệu tiềm năng của các tỉnh thành Trung Quốc, hội thảo xúc tiến đầu tư. “Mục tiêu của Hội chợ là tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và khối ASEAN” – ông Mã Kế Hiến nói.
 
Vị Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây cũng cho hay, bên lề Hội chợ lần thứ 10, sẽ có một loạt các Hội nghị, Hội thảo về Giao thông, 500 Doanh nghiệp lớn, đầu tư… với phương châm là cùng nhau kết nối, hợp tác cùng có lợi. “Vì vậy, chúng tôi chú trọng tới việc tuyển chọn các doanh nghiệp tham gia triển lãm, nâng cao chất lượng doanh nghiệp để mang lại nhiều cơ hội hơn nữa” – ông Mã Kế Hiến nhấn mạnh.
 
Người Trung Quốc đã thích dùng hàng Việt Nam
 
Bà Đào Việt Hoa - Phó Lãnh sự phụ trách thương mại (Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh) cho biết: Trước đây, hàng hóa Việt Nam chủ yếu có mặt ở một số tỉnh biên giới Trung Quốc-Việt Nam và một số tỉnh phía Nam. Giờ đây, với mức độ tăng trưởng kim ngạch, cộng với công tác xúc tiến thương mại và các hoạt động ngoài khuôn khổ hội chợ Trung Quốc-ASEAN thì hàng hóa của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, địa phương Trung Quốc. Điều quan trọng là hàng của Việt Nam cũng đã bắt đầu có tín nhiệm với thị trường Trung Quốc.
 
“Chúng tôi cũng rất tự hào, các mặt hàng này sau một thời gian tuyên truyền, quảng bá tại các hội chợ thì đã có số đông người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích. Như sản phẩm bánh trái làm từ hoa quả nhiệt đới như mãng cầu xiêm, sầu riêng…” – bà Hoa cho biết.
 
Về hội chợ Trung Quốc - ASEAN, ông Hứa Khải Tùng – tham tán Kinh tế thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) điểm lại, từ năm 2004, khi Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức triển lãm ASEAN và diễn đàn kinh tế ASEAN – Trung Quốc đến nay Chính phủ Việt Nam đã rất coi trọng và cử nhiều đại diện doanh nghiệp tham gia. Nhiều lãnh đạo Việt Nam đã đến tham quan triển lãm, tích cực thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước. Từ kỳ triển lãm ASEAN lần thứ 3 đoàn đại diện Việt Nam đều đứng đầu về số lượng sản phẩm tham gia triển lãm. “Có thể nói, triển lãm ASEAN tại Trung Quốc và diễn đàn kinh tế ASEAN – Trung Quốc đã tạo dựng được một sân chơi cho doanh nghiệp các nước. Người dân Trung Quốc có thể mua được sản phẩm Việt Nam với giá hợp lý tại bất kỳ nơi nào.
 
Tại các kỳ triển lãm này, doanh nghiệp Việt Nam triển lãm các sản phẩm đồ gỗ, cao su, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, nông sản phẩm, đồ gia dụng bao gồm da giày. Ngoài ra, các thành phố như Hà Nội, TP. HCM, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt… đã đem đến triển lãm ASEAN những đặc sắc riêng của mình, mang lại cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp. Các sản phẩm cũng đã nhận được sự quan tâm sử dụng của khách hàng Trung Quốc.
 
“Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam cũng chính là một bộ phận quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN. Chúng tôi mong muốn được hơp tác với các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng” – ông Hứa Khải Tùng nói.
 
Tiềm năng hợp tác phong phú
 
Quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã trải qua chặng đường dài và hiện tại nhìn lại thì thấy rằng, dù tình hình thế giới và khu vực có biến động, khó khăn, tiêu cực nhưng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế còn nhiều tiềm năng chưa khai thác được hết.
 
“Cho nên, tôi có niềm tin mãnh liệt với quan hệ hai nước đang phát triển như hiện nay, với sự quan tâm của Chính phủ hai nước, thì mục tiêu cao cả nhất chúng ta làm được là phát huy tối đa tiềm năng bổ sung cho nhau” – Ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
 
Theo ông Đào Ngọc Chương, một số mặt hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc càng ngày tỷ trọng càng thấp đi (ví dụ như khoáng sản). Chính vì thế, Việt Nam hướng mạnh tới xuất khẩu các loại hàng nông sản nhiệt đới chỉ Việt Nam có mà các bạn Trung Quốc rất cần. Ngược lại, phía Việt Nam cũng cần các loại hoa quả ôn đới của bạn. Đây là những mặt hàng do điều kiện thiên nhiên mang lại.
 
“Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất thô. Chính vì vậy chúng tôi cũng muốn các bạn sang chế biến tại Việt Nam để nâng giá trị lên cũng như bảo quản tốt, vận chuyển sâu vào nhiều tỉnh, thành trong lục địa Trung Quốc” – ông Chương cho biết.
 
Được biết, lãnh đạo hai nước đã đạt được sự nhất trí cao trong việc triển khai xây dựng “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam – Trung Quốc. Hai nước đang tiến hành đàm phán về việc triển khai hợp tác trên. Theo đánh giá của ông Hứa Khải Tùng, việc xây dựng các dự án trên có tác dụng thúc đẩy mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN nói chung. Ngoài ra, từ góc độ hợp tác biên giới hai nước, hợp tác này cũng đã tạo ra nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước.
 
Ông Hứa Khải Tùng cho rằng, thương mại biên giới là một phần không thể thiếu trong thương mại giữa hai nước. Hai nước tăng cường tìm hiểu, hợp tác lẫn nhau, dẫn dắt thương mại biên giới phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa hai nước… Ông Tùng khẳng định: “Sự phát triển phồn vinh về kinh tế khu vực biên giới sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển hợp tác hữu nghị giữa hai nước”.
 
Có thể thấy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại ASEAN – Trung Quốc trong những năm qua đã đạt được những bước phát triển tốt đẹp, kim ngạch thương mại song phương đã có sự tăng trưởng đáng kể. Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng cần tận dụng tốt các diễn đàn, cơ chế và những thỏa thuận hợp tác, cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường và chính sách ngoại thương của Trung Quốc để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mình vào thị trường này./.
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo