Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UNESCO
Tin tức trên báo Vietnamplus, rạng sáng ngày 12/11 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ kỳ họp thứ 38 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Việt Nam đã được bầu là Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019.
Đây là lần thứ tư Việt Nam trúng cử vào Hội đồng chấp hành sau ba nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005 và 2009-2013. Việt Nam đã được bầu với số phiếu ủng hộ là 156 trên tổng số 186 nước có quyền bầu cử.
Theo thông tin được đăng trên trang web của UNESCO, kết quả bầu Hội đồng chấp hành đã được công bố tại phiên họp toàn thể lần thứ 12 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 38 của UNESCO đang diễn ra tại Paris, Pháp. Báo Hà Nội mới thông tin.
Việt Nam nằm trong danh sách nhóm bầu cử số 6, có 6 ghế đại diện. Trúng cử nhóm này ngoài Việt Nam có Iran, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc, Sri Lanka.
Tin tức trên báo Vietnamnet, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (HĐCH UNESCO) gồm 58 thành viên, là một trong các cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm hoạch định chính sách, xây dựng các kế hoạch hoạt động ngắn hạn và trung hạn, xây dựng các chương trình, ngân sách của UNESCO; đặc biệt có quyền bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO (ĐHĐ) thông qua.
Nguyên tắc bầu cử trong HĐCH là bỏ phiếu kín theo từng khu vực địa lý. Tại kỳ họp lần thứ 38 ĐHĐ UNESCO diễn ra từ 3-18/11/2015 tại Pháp, ĐHĐ bầu lại 30 quốc gia thành viên. Cuộc đua lần này đặc biệt căng thẳng và căng nhất là cuộc đua trong nhóm IV Châu Á- Thái Bình Dương (Việt Nam thuộc nhóm này), nhóm Va Châu Phi (13 nước tranh cử cho 7 ghế) và nhóm Vb các nước Ả-rập (8 nước tranh cử cho 4 ghế). Về nhóm IV Châu Á- Thái Bình Dương có 6 ghế.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, cho biết quy trình bầu cử cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước do số ứng cử viên đông, đặc biệt tại khu vực châu Á, và việc Việt Nam được bầu với số phiếu cao cho thấy sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam.
Ông Châu nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và UNESCO là một diễn đàn đa phương quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình bên cạnh nhiều diễn đàn đa phương khác.
Ông cũng nhắc lại việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 vào ngày 21/10 vừa qua tại kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, và hiện Việt Nam cũng đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (khóa 2014-2016).
End of content
Không có tin nào tiếp theo