VietinBank trở thành ngân hàng có vốn lớn nhất Việt Nam
Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền của BTMU để nắm giữ cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược, VietinBank đã trở thành ngân hàng thương mại có vốn lớn nhất Việt Nam (vốn điều lệ đạt 32.661 tỷ VND, vốn chủ sở hữu đạt khoảng 45.000 tỷ VND) và cơ cấu cổ đông mạnh nhất ở Việt Nam...
Ngày 10/5/2013, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) đã hoàn tất việc chuyển tiền mua 644.389.811 cổ phần của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với giá 24.000 VND/1 cổ phần. Đây là bước cuối cùng để BTMU chính thức trở thành cổ đông chiến lược của VietinBank.
Trước đó, ngày 27/12/2012, VietinBank và BTMU đã ký hợp đồng đầu tư chiến lược và hợp đồng hợp tác toàn diện giữa VietinBank và BTMU sau gần một năm tích cực đàm phán trên cơ sở tin cậy và thiện chí giữa hai bên. VietinBank cũng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 26/2/2013 để chính thức phê duyệt việc lựa chọn BTMU làm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại VietinBank.
Sự kiện một ngân hàng hàng đầu Nhật Bản và một ngân hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam có mối quan hệ hợp tác chiến lược sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền của BTMU để nắm giữ cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược, VietinBank đã trở thành ngân hàng thương mại có vốn lớn nhất Việt Nam (vốn điều lệ đạt 32.661 tỷ VND, vốn chủ sở hữu đạt khoảng 45.000 tỷ VND) và cơ cấu cổ đông mạnh nhất ở Việt Nam, trong đó NHNN vẫn là cổ đông chiếm cổ phần chi phối, tiếp theo là hai cổ đông tổ chức nước ngoài: BTMU và IFC; và các bên có liên quan.
Cơ cấu cổ đông của VietinBank trước và sau khi BTMU trở thành đối tác chiến lược chính thức thứ hai
Thành công của VietinBank và BTMU trong giao dịch này cũng sẽ là động lực góp phần tăng cường sự gắn bó trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư trực tiếp giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời khẳng định uy tín và thương hiệu của ngân hàng Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn chủ sở hữu và số tiền thặng dư thu được từ đợt chào bán riêng lẻ cho BTMU sẽ tạo cơ sở cho VietinBank củng cố hoạt động, đồng thời tập trung tái cấu trúc bộ máy tổ chức để VietinBank hiện đại và cạnh tranh hơn là những mục tiêu đầu tiên của VietinBank trong tiến trình cổ phần hóa.
Cụ thể, VietinBank sẽ dùng số tiền này để tăng cường tín dụng, mở rộng mạng lưới, đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ, mở rộng hoạt động đầu tư góp vốn...
Với bề dày kinh nghiệm, BTMU sẽ hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác với VietinBank trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp cho VietinBank củng cố năng lực tài chính, nền tảng vốn tự có, tăng an toàn cho hoạt động mà quan trọng hơn, việc hiện thực hoá Thoả thuận hỗ trợ hợp tác kỹ thuật và kinh doanh toàn diện trong các lĩnh vực ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, bán lẻ…, sẽ khai thác nhiều nguồn lực quan trọng để nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của VietinBank.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam là khách hàng của BTMU và theo dự báo, số doanh nghiệp Nhật Bản là khách hàng của BTMU muốn đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh. Với việc ký kết các hợp đồng vừa qua, VietinBank và BTMU sẽ có cơ hội phục vụ tốt hơn cho các khách hàng tiềm năng này.
Nhật Minh
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo