Hỗ trợ doanh nghiệp

Viettel có thành công với số đông - giá rẻ ?

Từ đầu tháng 5 này, Viettel sẽ “tham chiến” thị trường truyền hình trả tiền bằng chiến lược số đông và giá rẻ.
Hướng vào “vùng trắng”
 
Sau hơn một năm chờ đợi, mới đây, Viettel đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Điều mà các đối thủ cạnh tranh của Viettel như VTCT, VTC, HTVC, VSTV (K+), HcaTV… quan tâm lúc này là Viettel sẽ dùng “đòn” gì để chiếm lĩnh thị trường.
 
ông Đỗ Minh Phương, Giám đốc Truyền hình Viettel cho biết, trong kinh doanh, không phân chia thị trường hoặc có sự nhường nhau. Viettel sẽ không cạnh tranh theo kiểu giành giật khách hàng. Viettel hướng tới cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đây là một “vùng trắng” thị trường rộng lớn.
 
Theo ông Phương, cả nước hiện có hơn 20 triệu hộ gia đình, nhưng mới có 4,5 triệu hộ sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền và 3 triệu thuê bao truyền hình cáp. Đây là dư địa lớn mà Viettel sẽ khai thác. Theo tính toán, khách hàng tại thị trường nông thôn sẽ chiếm khoảng 65% cơ cấu khách hàng của Viettel.
 
Giá dịch vụ rẻ
 
Ngoài chiến lược nhắm vào số đông, đại diện Viettel cho biết, Viettel đang có nhiều ưu thế để cung cấp một dịch vụ truyền hình cáp chất lượng cao và mức giá rẻ nhờ giảm được giá thành.
 
Trước hết, Viettel đang sở hữu hơn 200.000 km cáp quang, phủ tới gần 100% xã. Sau khi được cấp phép, Viettel sẽ sử dụng hạ tầng mạng cáp này và chỉ phải bỏ thêm khoảng 30% chi phí so với việc làm mới hệ thống cáp. Ngoài ra, Viettel chỉ cần đầu tư thêm 700.000-800.000 đồng chi phí lắp đặt cho một thuê bao, rẻ hơn 2-3 lần so với truyền hình dựa trên công nghệ IPTV sử dụng ADSL.
 
Một lợi thế khác khiến Viettel tiết kiệm được giá thành là tận dụng nguồn lực sẵn có. Vietel hiện có hơn 10.000 nhân viên, nhân viên kỹ thuật, cộng tác viên bán hàng phủ sóng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa. Họ quen thuộc địa bàn và có nhiều kinh nghiệm phát triển dịch vụ cho Viettel. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá được xây dựng hàng chục năm nay. Với những nhà khai thác dịch vụ, bộ máy này còn quan trọng hơn tiền đầu tư, bởi có tiền mà không xây dựng được bộ máy, mạng lưới thì không thể triển khai kinh doanh được.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, với tiềm lực hiện có, nếu đầu tư hạ tầng cáp quang đến xã để cung cấp truyền hình cáp thì sẽ giảm chi phí đầu tư 2 - 3 lần, giúp dịch vụ có thể phổ cập đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Một yếu tố khác là chi phí đầu vào sẽ giảm khi có sự tham gia của Viettel, bởi một chương trình truyền hình trước chỉ bán được cho 1 đài, nay lại bán thêm cho Viettel thì giá bán sẽ thấp hơn.
 
Cú huých mang tên Viettel
 
Cũng cần phải nói thêm rằng, phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên thị trường mới chỉ đầu tư ở khu vực thành thị bởi hai nguyên nhân: chi phí thấp và lợi nhuận khai thác cao. Trong khi đó, do phải đầu tư lớn, lâu dài, nên thị trường nông thôn đang bị bỏ ngỏ.
 
Việc Viettel tiến quân về vùng nông thôn rất giống chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” mà Viettel đã thực hiện rất thành công trong dịch vụ thông tin di động.
 
Di động và truyền hình trả tiền là hai câu chuyện khác nhau, nhưng có một điểm chung quyết định sự phát triển của thị trường là chất lượng dịch vụ và giá cả. Với sự “tham chiến” của Viettel, hy vọng thị trường truyền hình trả tiền sẽ có bước đột phá mới, chấm dứt tình trạng 10 năm chỉ có 4,5 triệu thuê bao.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo