Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinachem sắp tái cơ cấu mạnh mẽ

Theo Đề án tái cơ cấu tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ nắm giữ dưới 50% cổ phần tại 7 công ty và bán toàn bộ vốn tại 15 công ty khác.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính là hóa chất, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của tập đoàn.

Theo đề án, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinachem là sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

Nhà máy DAP Lào Cai của Vinachem. Ảnh: Vinachem.

Vốn điều lệ của Vinachem đến năm 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng. Tập đoàn xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ giai đoạn 2018-2019. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Về kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Vinachem giai đoạn 2017-2020, tập đoàn sẽ thực hiện cổ phần hóa Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam và tái cấu trúc lại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả.

Đối với công ty Hóa chất và Muối mỏ Việt - Lào, Bộ Công thương và Vinachem thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, ban cán sự đảng Chính phủ,trong từng thời kỳ có báo cáo và phương án đề xuất.

Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn sau khi doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả đối với các doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc; Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Tập đoàn cũng thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam giai đoạn 2017-2018, Vinachem nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.

 

Ngoài ra, Vinachem nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ của 7 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ Que hàn; Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì; Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam; Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam.

Đồng thời, 9 doanh nghiệp sẽ do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam; Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng; Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền; Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ; Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam; Công ty cổ phần Bột giặt NET; Công ty cổ phần Bột giặt LIX; Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam.

Vinachem thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 15 doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội; Công ty cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú; Công ty cổ phần Ắc quy tia sáng; Công ty cổ phần Cao su Inoue Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa và Hóa chất TPC Vina; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam; Công ty cổ phần Sơn tổng hợp Hà Nội; Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang; Công ty cổ phần Pin Hà Nội; Công ty cổ phần Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất; Công ty cổ phần Cảng Đạm Ninh Bình; Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh; Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ; Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp Hóa chất.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Vinachem, tập đoàn lãi hợp nhất 48 tỷ đồng nhưng trên thực thế lợi ích của công ty mẹ lỗ 192 tỷ đồng. Phần lợi nhuận của các cổ đông không kiểm soát tại các công ty liên doanh là 240 tỷ đồng.

Năm 2016 tình trạng tương tự cũng diễn ra khi các cổ đông không kiểm soát ở các liên doanh lãi 441 tỷ đồng thì công ty mẹ Vinachem lỗ 1.336 tỷ đồng. Kết quả chung Tập đoàn lỗ hợp nhất 895 tỷ đồng.

 

Tổng vay và nợ thuê tài chính của tập đoàn này cuối tháng 6/2017 là hơn 19.000 tỷ đồng và phải trả chi phí vay lớn. Điều này khiến cho lợi nhuận của Tập đoàn Hóa Chất không mấy khả quan.

Số vốn vay được Vinachem sử dụng tại công ty mẹ khoảng gần 7.000 tỷ đồng, còn lại được phân bổ cho các công ty con. Trong đó, các dự án/ công ty sử dụng vốn lớn là Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (7.938 tỷ đồng); Công ty DAP số 2 Vinachem (3.349 tỷ đồng); Công ty phân bón Bình Điền (1.746 tỷ đồng); Công ty CN cao su Miền Nam (2.056 tỷ đồng); Công ty Pin Acquy Miền Nam (920 tỷ đồng); Công ty Đạm Ninh Bình (1.177 tỷ đồng)....

Nhiều dự án trong số này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém thua lỗ thuộc ngành công thương đang được tập trung xử lý như các dự án DAP, Đạm Ninh Bình hay Nhà máy Đạm Hà Bắc.

Nên đọc
Theo TheLEADER
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo