Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinawaco loay hoay với khoản nợ từ trên trời rơi xuống

Khoản nợ trị giá 53 tỷ đồng lay lắt suốt 23 năm đang là nỗi bất an lớn của các nhà đầu tư chiến lược và cổ đông tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco).

Lại xin xóa nợ

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, ngay sát thềm Tết Nguyên đán 2018, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cổ đông Nhà nước đang nắm 36,62% vốn điều lệ tại Vinawaco, một lần nữa trình Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý khoản nợ tồn đọng lay lắt suốt 23 năm qua.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép Vinawaco được xóa toàn bộ khoản nợ trị giá khoảng 53 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc 12,59 tỷ đồng; nợ lãi vay 27,2 tỷ đồng; nợ lãi phạt 27,2 tỷ đồng tại Vietcombank (tính đến ngày 15/2/2017). Trong trường hợp Vinawaco vẫn phải nhận nợ, thì nguồn vốn để trả nợ là phần vốn nhà nước (trừ vào giá trị phần vốn nhà nước tại Vinawaco) tại thời điểm chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Vinawaco vướng vào khoản nợ 53 tỷ đồng do nhận bàn giao 3 con tàu vận tải từ năm 1995.

Công ty mẹ - Vinawaco chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 30/5/2014. Hiện, Vinawaco có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước theo Phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 109,8 tỷ đồng, chiếm 36,62% vốn điều lệ.

Nếu trả nợ vay theo đề xuất nói trên của Bộ GTVT, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Tổng công ty này sẽ chỉ còn khoảng 18% vốn điều lệ. Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Bộ GTVT, đây là lối thoát khả dĩ nhất để xử lý dứt điểm tồn tại tài chính, cũng như sớm dứt điểm việc xác định lại giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Vinawaco.

Đây là lần thứ hai, kể từ tháng 10/2016, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận hướng xử lý đối với khoản nợ gốc 12,59 tỷ đồng kéo dài 23 năm của Vinawaco tại Vietcombank. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai đề xuất xử lý nợ, chính là việc Bộ GTVT chấp nhận thanh toán cho Vietcombank cả nợ gốc, lãi vay, lãi phạt từ phần vốn góp của Nhà nước tại Vinawaco, trong trường hợp phương án xóa nợ không được chấp thuận.

Trước đó, trong văn bản góp ý đề xuất của Bộ GTVT vào tháng 3/2017, Ngân hàng Nhà nước đã bác đề xuất xóa nợ gốc đối với khoản nợ của Vinawaco tại Vietcombank.

Viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2005 tại công văn số 2507/VPCP-KTTH ngày 13/5/2005 và Quyết định số 736/QĐ-NHNN ngày 23/5/2005, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khoản nợ của Vinawaco được hạch toán theo dõi trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để tiếp tục thu hồi nợ. Do vậy, đề nghị xóa nợ gốc để xử lý khoản nợ tại Vietcombank là không phù hợp.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 5/2005, Thủ tướng chỉ đạo, đối với khoản nợ gốc (12,597 tỷ đồng), Vietcombank hạch toán theo dõi trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để tiếp tục theo dõi thu hồi nợ. Toàn bộ số lãi phát sinh đến ngày 8/3/2005 được xóa, việc tính lãi phát sinh được ngân hàng thực hiện theo quy định.

 

“Vietcombank vẫn đang thực hiện theo dõi khoản vay, nhưng chưa áp dụng biện pháp khởi kiện doanh nghiệp”, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết.

Bỗng nhiên đổ nợ

Vinawaco cho biết, tháng 9/2016, Tổng công ty này nhận được thông báo của Vietcombank - Chi nhánh TP.HCM yêu cầu phải trả 53,1 tỷ đồng tiền vay do nhận bàn giao 3 tàu vận tải từ năm 1995.

“Khoản nợ này như từ trên trời rơi xuống làm ngỡ ngàng các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinawaco, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco nói.

Vinawaco khẳng định, năm 2005, Tổng công ty đã hạch toán giảm nợ ngân hàng và tăng lãi cho sản xuất, kinh doanh. Từ đó đến nay, Vinawaco không nhận được biên bản đối chiếu công nợ nào của Vinawaco - Chi nhánh TP.HCM. Do vậy, trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco do Bộ GTVT công bố, không có bất kỳ khoản nợ phải trả nào đối với Vietcombank - Chi nhánh TP.HCM.

 

“Thông tin Tổng công ty có dư nợ xấu tại Vietcombank ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty, đặc biệt là trong việc tiếp cận các khoản tín dụng và xin cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh thanh toán”, ông Tuấn cho biết.

Theo lãnh đạo Vinawaco, các khoản nợ với tổng giá trị 53,1 tỷ đồng này là có cơ sở, nhưng do phát sinh trước thời điểm cổ phần hóa nên không thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ của pháp nhân mới.

Cần phải nói thêm, cùng với khoản nợ “bỗng dưng” xuất hiện từ Vietcombank, chỉ trong vòng 3 năm sau cổ phần hóa, thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ, phân tích báo cáo quyết toán tài chính 7 công ty con có vốn góp…, Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng. Những khoản nợ, lỗ này đều không được đề cập trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, hoặc nếu có thì nợ phải trả thực tế lớn hơn nợ phải trả trong hồ sơ.

“Phần vốn nhà nước tại Vinawaco hiện còn khoảng 109,8 tỷ đồng, nếu các tồn tại này được xử lý, thì phần vốn nhà nước sẽ bị âm 30,3 tỷ đồng”, Chủ tịch HĐQT Vinawaco thông tin.

Điều đáng nói là, từ năm 2016 đến nay, Vinawaco đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, tạo cơ sở để xử lý dứt điểm các khoản công nợ này, nhưng sau 4 năm kể từ khi chuyển đổi, việc chốt giá trị vốn nhà nước vẫn bị đóng băng.

 

“Các cổ đông mong muốn Bộ GTVT làm rõ, sớm xử lý dứt điểm các tồn tại tài chính, trước khi chính thức chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinawaco sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước”, ông Tuấn cho biết.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo