Hỗ trợ doanh nghiệp

VNPT và chiến lược kinh doanh sau tái cơ cấu

Quan điểm của Chính phủ là Tập đoàn VNPT sau khi tái cơ cấu sẽ tập trung phát triển các dịch vụ di động, băng rộng, tạo sự đột phá trong kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng công nghệ thông tin, lấy khách hàng làm trung tâm.

Chia sẻ tại Hội nghị phổ biến Quyết định 888/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT chiều 17/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, nguyên tắc hoạt động của VNPT sẽ dựa trên việc cân đối hài hòa 3 yếu tố khách hàng - người lao động với hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, VNPT là thương hiệu quốc gia, đã được khẳng định và có sức lan tỏa lớn không chỉ trong nước mà còn cả với quốc tế, nên dù mảng bưu chính đã tách ra nhưng Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên tên gọi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT.

Sau khi tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại, VNPT cần hướng đến mục tiêu tổng quát là cung cấp đa dạng, đồng bộ các dịch vụ CNTT - TT với chất lượng cao, giá thành hợp lý, trên cơ sở cạnh tranh theo đúng yêu cầu của thị trường và của người dùng. 5 nhóm dịch vụ mà VNPT sẽ đẩy mạnh kinh doanh là dịch vụ di động, băng rộng, dịch vụ giá trị gia tăng CNTT, dịch vụ truyền thông, công nghiệp viễn thông - CNTT....
 
"VNPT cần giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông VN, góp phần hình thành thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh", Bộ trưởng chỉ đạo.
 
Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đã xem xét, nghiên cứu rất thận trọng trước khi đưa ra phương án tái cơ cấu VNPT cuối cùng, và Quyết định 888 sẽ "quyết định rất nhiều đến sự phát triển của cả thị trường viễn thông chứ không riêng gì Tập đoàn".
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2015, Bộ TT&TT và VNPT sẽ phải hoàn thành xong tất cả các nội dung tái cơ cấu, song mục tiêu phấn đấu của Bộ sẽ là hoàn thành xong các nội dung ngay trong năm 2014, để bắt đầu từ thời điểm ngày 1/1/2015, VNPT có thể chính thức hoạt động theo mô hình mới và đến hết năm 2015 thì hoàn thành xong nhiệm vụ tái cơ cấu.
 
Bộ TT&TT và Bộ Tài chính sẽ tiến hành thẩm định vốn điều lệ của Tập đoàn, cũng như cơ cấu lại Tập đoàn trên tình thần tinh gọn, giảm đầu mối, tăng cường quyền tự chủ cho các công ty con, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh cho Tập đoàn.
 
Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ đạo VNPT cần đặc biệt quan tâm tới việc phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử thông qua việc xây dựng Công ty TNHH MTV VNPT - Technology thành một thương hiệu Việt hàng đầu về công nghệ. "Tập đoàn cần đầu tư tích cực cho VNPT-Technology để tăng tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị viễn thông, điện tử, thay thế dần thiết bị ngoại nhập, tiến tới một nền công nghiệp CNTT tự chủ. Bản thân VNPT cần phải trở thành khách hàng đầu tiên đặt hàng VNPT - Technology để ủng hộ sản phẩm do đơn vị thành viên sản xuất ra, từ đó giúp thương hiệu lan tỏa ra trong nước và quốc tế".
 
Ba đơn vị được điều chuyển nguyên trạng từ VNPT về Bộ TT&TT gồm Công ty VMS (MobiFone), Bưu điện Trung ương, Học viện  Bưu chính - Viễn thông sẽ được chính thức bàn giao từ ngày 1/7/2014.
Theo VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo