Xa vời giấc mộng ôtô "Made in Việt Nam": Vì đâu nên nỗi?
Những năm đầu sản xuất và có mặt trên thị trường, Vinaxuki và Trường Hải chính là những điển hình của ngành công nghiệp ôtô nội địa với sản lượng bán hàng thường xuyên đạt trên mốc 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường suy giảm mạnh thì với tiềm lực tài chính hạn chế, các Vinaxuki cũng theo đó chìm vào khó khăn, còn Trường Hải với hướng đầu tư khác đã tìm được lối thoát.
Vào đầu năm 2004, Nhà máy ô tô Vinaxuki đã được khởi công tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm, đến tháng 8/2005 thì khánh thành. Trong các năm 2006, 2007, 2008 Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 27% và 3 dòng xe con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 5%.
Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ xong cho các ngân hàng. Ngân hàng ủng hộ và cam kết giúp Vinaxuki tiếp tục đầu tư công nghệ cao, sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi và nội địa hóa ô tô.
Năm 2009, các ngân hàng đã cho Vinaxuki vay gần 300 tỷ vốn kích cầu đầu tư. Các loại xe ô tô lắp ráp đưa ra thị trường đều tiêu thụ mạnh, nhiều đại lý phải chờ đợi hàng tháng mới lấy được xe. Đời sống, việc làm của người lao động đảm bảo, được cải thiện. Cũng trong năm 2009, hai công ty lớn của nước ngoài muốn mua 50% cổ phần của Vinaxuki, cùng với đó, có nhiều đối tác muốn hợp tác, ở các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.
Lúc này, Vinaxuki bắt tay nghiên cứu và chế tạo ôtô “Made in Vietnam" cũng từ năm 2009. Tuy vậy, không đầy 1 năm sau, kinh tế rơi vào khủng hoảng, ngân hàng xiết chặt việc cho vay và lãi suất tăng lên nhanh chóng khiến Vinaxuki thua lỗ. Những nỗ lực, gắng gượng chỉ có thể giúp công ty hoạt động được một khoảng thời gian không lâu sau đó.
Từ đầu năm 2012, các ngân hàng đồng loạt cắt, không cho vay vốn lưu động. Ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng, mong được tái cơ cấu để vay vốn lưu động. Từ đó, nhà máy không còn tiền để trả lương người lao động, không còn tiền để mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần dần ngừng hoạt động.
Vì khủng hoảng mà Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cho các doanh nghiệp được tái cơ cấu vốn vay. Vinaxuki đã được Ngân hàng Nhà nước, Công ty VAMC, Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng các phương án vay vốn để sản xuất và trả nợ. Năm nào, Vinaxuki cũng xây dựng và gửi phương án đến các ngân hàng, đề nghị được tái cơ cấu lại vốn đầu tư, để kinh doanh sản xuất, xin được vay vốn lưu động và hoàn trả nợ vay.
Tiếc rằng chủ trương đúng, nhưng khi thực hiện lại không có hội đồng đánh giá lại tính khả thi của dự án, không có sự kết hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý nợ xấu. Thậm chí, giữa các ngân hàng thương mại nảy sinh nhiều bất đồng về tài sản đảm bảo, vốn lưu động, chẳng ai hiểu ai, còn VAMC thì mua bán nợ xấu chưa thực chất, nên Vinaxuki bị chết kẹt. Chính sự đầu tư được cho là bài bản và tốn kém này đã góp phần đẩy Vinaxuki rơi vào tình trạng đói vốn trầm trọng.
Qua 5 năm chạy khắp các cửa mà không được vay vốn lưu động dù Vinaxuki đã có đầy đủ đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, là doanh nghiệp công nghiệp ô tô duy nhất sản xuất phụ tùng cốt lõi bằng công nghệ cao, đã làm ra được các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia với công nghệ cao, làm ra các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hoá trên 40% vẫn còn tài sản cầm cố, dự án khả thi…Vinaxuki xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân kĩ sư trong lúc thị trường ô tô tăng nóng 45-56% mà không được.
Trước những khó khăn, một lần nữa ông chủ Vinaxuki khẩn thiết đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và vay 200 tỷ vốn lưu động hoặc cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại; tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả VAMC và các ngân hàng. “Tôi chỉ mong họ cho mình vay vài trăm tỷ với lãi vay thương mại cũng được, chứ không cần lãi suất ưu đãi gì hết”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - Bùi Ngọc Huyên nói với Tiền Phong.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong cuối năm 2015 và gần đây khi doanh nghiệp trong cảnh nợ chồng chất, công nhân nghỉ gần hết, dự án thì vẫn dang dở, ông Huyên thừa nhận mình là “thằng dở hơi” khi một mình một ngựa đầu tư với tỷ lệ cao cho việc nội địa hóa. “Tôi sản xuất 40 loại xe, loại 40% nội địa hóa chỉ ở 1 – 2 model. Tôi đặt ra chương trình nội địa hóa theo cách mời kỹ sư Nhật thiết kế rồi chuyển giao, mời kỹ sư Thụy Ðiển hiện đại hóa xưởng lắp ráp. Ðây là bước khởi đầu cho nội địa hóa mạnh, tiến tới sản xuất hàng loạt. Doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này thật sự cũng chưa nội địa hóa mạnh. Chỉ có tôi là “thằng dở hơi” mới nội địa hóa nhiều, mới đầu tư từ khâu thiết kế”, ông Huyên nói.
Ông Huyên thừa nhận, dù đã được cảnh báo khi bắt tay vào làm rằng, chế tạo ô tô con là cuộc chơi vốn không dành cho kẻ ít tiền, dù tại thời điểm bắt đầu dự án ông Huyên vẫn là một đại gia đúng nghĩa, bản thân ông cũng toát mồ hôi khi phải chi rất nhiều tiền để đầu tư. “Tôi đầu tư 22 máy làm khuôn. Có máy mua của Mitshubishi mua của Nhật lên tới 17 tỷ đồng, đủ để xây một nhà máy lắp ráp xe máy. Những con robot để cắt lade mua ở Thụy Ðiển tới hơn 300.000 đô la. Ðầu tư nhiều tiền như vậy đáng lẽ nhà nước phải hỗ trợ khuyến khích nhưng trong chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam hiện nay, sản xuất ô tô con không được đưa vào danh mục cơ khí trọng điểm nên doanh nghiệp rất thiệt thòi”, ông Huyên kể.
Những ngày này, khi lời kêu cứu của “ông già mê chế tạo ô tô” xem chừng chưa có lời giải, chưa có lời hồi đáp, ông Huyên vẫn lủi thủi một mình trong khu nhà máy sản xuất ôtô con đóng cửa từ năm 2013. Nhà cửa bán hết để trả nợ, dù phải tá túc trong nhà khách của công ty nhưng ông chủ của thương hiệu Vinaxuki vang bóng một thời vẫn khát khao, tìm mọi cách vực dậy “đứa con đầu tiên” và tiếp tục thực hiện “giấc mơ ô tô Việt” còn dang dở... Nhưng ai cũng có cái lý lẽ của mình, thị trường vốn dĩ vẫn khắc nghiệt với quy luật của nó: Không theo kịp thì sẽ bị đào thải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo