Hỗ trợ doanh nghiệp

Xu hướng tiêu dùng mới hàng dệt may ở EU

Việc xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU trong những năm gần đây có những bước tiến mạnh mẽ, kim ngạch tăng lên hàng năm, năm 2011 trên 2 tỷ USD. Chỉ riêng tại Pháp, nền kinh tế đứng thứ hai châu Âu trong năm 2012 cũng có nhu cầu tiêu thụ 310 triệu USD hàng dệt may.

 Tuy nhiên, với thị trường này, doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn như giá cả, sự khác biệt thị hiếu trong 27 quốc gia thành viên, quy định Reach, các rào cản thương mại, thiết kế mẫu mã… mới đây là sự thay đổi xu hướng tiêu dùng.

 
Theo bà Jo Bueters, cố vấn kỹ thuật và chiến lược ngành hàng phi thực phẩm của Tập đoàn Casino (Pháp), thị trường Pháp nói riêng, EU nói chung, có nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc rất đa dạng và chú trọng nhiều đến giá cả, tính thời trang, chất lượng ….Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí đắt đỏ nên người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, trong đó chi phí dành cho quần áo sẽ ở mức độ vừa với túi tiền và phần lớn người tiêu dùng thích mua trong các đợt hàng giảm giá, khuyến mãi. Nửa lượng hàng dệt may tiêu thụ ở Pháp thời gian gần đây là từ các đợt hàng khuyến mãi, giảm giá. Điều này cho thấy, lượng tiêu thụ hàng dệt may ở thị trường EU sẽ không giảm, nhưng sẽ giảm giá trị mua sắm.
 
Bà Alice Baey, Giám đốc thu mua toàn cầu thuộc Casino cũng cho biết, đang có nhiều yếu tố tác động lên tâm lý tiêu dùng ở Pháp nói riêng, EU nói chung. Người dân đang căng thẳng trong tình hình khó khăn của nền tài chính EU, chưa biết biến động tài chính sẽ diễn biến như thế nào do có quá nhiều thông tin tiêu cực về tỷ giá đồng Euro …. Vì thế, hầu hết đều chủ trương giảm chi tiêu những thứ chưa thật cần thiết. Tuy nhiên, dù giảm chi tiêu, họ vẫn phải mua sắm những thứ cần thiết, trong đó có quần áo.
 
Bên cạnh đó, dù tiết giảm chi tiêu, người tiêu dùng EU cũng không thích sử dụng những sản phẩm có giá thành hạ mà trong quá trình sản xuất làm xâm hại đến môi trường, sử dụng lao động trẻ em, hoặc làm ra từ việc bóc lột công sức người lao động. Vì thế để được lòng thị trường, các nhà thu mua ở EU đã đưa thêm các tiêu chí trên vào điều kiện đơn hàng. Thống kê mới đây cho thấy, 77% người tiêu dùng EU quan tâm đến điều kiện môi trường, 72% chú trọng đến các dịch vụ liên quan sản phẩm và 51% chú ý đến chất lượng.
 
Cũng từ tình hình kinh tế khó khăn, lĩnh vực bán lẻ tại EU đang cạnh tranh rất khốc liệt, hàng dệt may được bày bán nhiều ở các hệ thống chuỗi cửa hàng, trong cửa hàng bán lẻ, trên Internet, bán hàng trực tuyến…và họ cố gắng giảm chi phí đầu vào, muốn nhanh chóng đưa hàng ra thị trường kịp thời điểm,  thường xuyên đa dạng chủng loại sản phẩm…  
 
Từ các xu hướng thị trường và yêu cầu của hệ thống phân phối trên, các nhà bán lẻ, các nhà thu mua tại EU, Pháp … đang chuyển tìm các nguồn cung cấp thích ứng. Vì thế thời gian gần đây nhiều chuyên gia trong ngành dệt may EU, nhiều nhà mua hàng đã sang Việt Nam tiếp cận các nhà sản xuất Việt Nam, tim hiểu năng lực và cung cấp các thông tin mới về nhu cầu tiêu dùng ở EU. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA (Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp), trước đây nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam phải sang tìm hiểu thị trường EU, thì nay nhiều nhà thu mua từ các nước lại sang tìm hiểu năng lực, quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong nước để lên kế hoạch lâu dài cho xu thế tiêu thụ mới. Ông Guillauma Crouzet, Giám đốc điều hành Phòng TM-CN Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cho biết, quần áo của Việt Nam là một trong các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn ở thị trường EU, nhiều nhất ở Đức, Hà Lan, Anh…, nhưng lại chưa nhiều ở Pháp. Vì thế các nhà thu mua Pháp đang nỗ lực tìm nguồn  hàng tại Việt Nam…
 
Rõ ràng các xu hướng và nhu cầu trên của thị trường EU, Pháp… là cơ hội cho hàng Việt tăng thị phần tại EU. Để nắm bắt xu thế mới của thị trường này nhiều lời khuyên từ các chuyên gia EU đã được nêu lên. Theo ông Guillauma Crouzet, doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu cẩn thận xu hướng tiêu thụ mới trước khi đưa hàng sang hay lên kế hoạch sản xuất, nên tham dự các triền lãm lớn ở Pháp như Fatex đầu tháng 7, Interfiliere and mode Lingerie vào tháng 10. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể lập công ty, văn phòng đại diện tại Pháp để tìm hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu, hệ thống phân phối tại EU và CCIFV sẽ hỗ trợ DN trong việc này.
 
Một số nhà thu mua EU khác cho rằng, DN Việt Nam nên tập trung vào vài chủng loại hàng hoá chuyên sâu, đừng sản xuất tràn lan, tăng đầu tư vào khâu thiết kế và nên chấp nhận linh hoạt đa dạng đơn hàng, vì bên cạnh những đơn hàng lớn cũng sẽ có những đơn hàng nhỏ. Ngoài ra, Tập đoàn Casino cùng bộ phận xuất khẩu Big C cũng đang tiến hành gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để vừa có hàng cung cấp cho chuỗi siêu thị của BigC trên toàn cầu và có nguồn hàng xuất sang EU.
 
“Thị trường EU sẽ có những đợt sóng biến động, Doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt và tìm cách ở trên đầu những ngọn sóng này” bà Alice Baey khuyên các DN dệt may Việt Nam như thế trong buổi nói chuyện về xu hướng thị trường mới của EU vừa tổ chức mới đây tại TP HCM./.
 
Theo Báo kinh tế Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo