Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo bấp bênh vì phụ thuộc Trung Quốc

Dự kiến năm 2014 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 – 7 triệu tấn gạo. Muốn đạt con số này, phải tiếp tục tập trung vào thị trường Trung Quốc cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Đó là khẳng định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt nam (VFA) khi nhận định về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Theo ông Phong, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu được hơn 6,6 triệu tấn gạo, giá trị đạt 2,9 tỷ USD, giảm 13,45% về lượng và giảm 16% trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Song theo ông Phong, tuy xuất khẩu chính ngạch giảm nhưng Việt Nam đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất là tiêu thụ hết toàn bộ lúa gạo nông dân sản xuất ra với giá bán hợp lý suốt cả năm. Trừ thời điểm nắng hạn, mưa dồn dập xuống và 1 số diện tích bị thiệt hại ngay vụ hè thu, giá giảm sâu không bán buôn được.
 
Giá lúa thu mua của nông dân tối thiểu trong thời gian qua là 5.100 đến 5.700 đồng/kg. Đến thời điểm tháng 11 và tháng 12/2013, giá lúa ở mức hơn 6.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Đây được coi là giá cao nhất từ trước đến giờ. Đến thời điểm này thì các doanh nghiệp đã tiêu thụ hết lúa trong dân, tồn kho doanh nghiệp chỉ bằng 40% so với năm 2012 chuyển qua 2013.
 
“Hiện nay chúng ta còn tồn kho khoảng 400.000 tấn chuyển qua cho năm 2014, giảm khoảng 60%. Như vậy thì kể cả doanh nghiệp và nông dân đều không còn lúa gạo. Tôi cho là việc này sẽ diễn biến tới hết tháng 1, còn sau Tết Nguyên đán thì giá sẽ khác đi”, ông Phong khẳng định.
 
Tuy nhiên, theo VFA, năm 2014, tình hình xuất khẩu sẽ hết sức phức tạp, nhất là việc phải tiếp tục đối mặt với khủng hoảng thừa trên thế giới. Vì năm 2014, Thái Lan chắc chắn phải xả hàng tồn kho khổng lồ lên đến 18 triệu tấn gạo. Trong khi đó, hiện giá Việt Nam đang cao hơn Thái Lan khoảng 20 USD/tấn. Đây là chuyện chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam. Đặc biệt, gạo cấp thấp của Thái Lan đang xuống rất thấp, thấp hơn của nước ta 40 USD/tấn.
 
Để chủ động phương án tiêu thụ cho năm 2014, VFA cho hay đang xúc tiến vào thị trường đã có tại Châu Á. Nhất là tập trung vào thị trường Trung Quốc, kể cả xuất chính ngạch và tiểu ngạch qua biên giới 2 nước.
 
Theo lý giải của ông Phong thì cả năm 2013, Trung Quốc là quốc gia nhập gạo của Việt Nam cả chính lẫn tiểu ngạch cao nhất so với các thị trường khác. Trong đó, Trung Quốc nhập chính ngạch của Việt Nam là 2,4 triệu tấn và mang qua biên giới khoảng 1,4 triệu tấn. "Do đó, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục bị phụ thuộc vào thị trường này", Chủ tịch VFA cho biết.
 
Ông Phong bày tỏ lo lắng, việc bán gạo vào thị trường này có nhiều rủi ro không lường trước được. “Trung Quốc không có chủ trương làm cách này, cách nọ để quỵt nợ, nhưng họ thường làm hàng rào kỹ thuật. Khi mà giá xuống quá thấp mà họ lỡ mua cao thì họ tìm cách hủy hợp đồng. Cho nên năm 2013 họ đã hủy của mình 1,5 triệu tấn gạo cũng hình thức này. Đây là 1 số lượng rất lớn. Cho nên khi giao dịch với Trung Quốc, tôi luôn nhắc nhở doanh nghiệp hết sức cẩn thận trong nội dung hợp đồng, các điều khoản cam kết trong thư tín…”, ông cảnh báo.
 
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết thêm, hiện họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng đầu năm 2014. Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch – Thương mại Kiên Giang cho hay, kế hoạch của Công ty sẽ xuất trên 250.000 tấn trong năm 2014. Thế nhưng, tình hình giá đầu năm hiện rất khó khăn khi giá còn cao, lượng gạo trong nước còn rất ít.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo