Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ FDI

Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2012 tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước chỉ tương đương cùng kỳ năm trước.

 Số liệu thống kê của liên bộ Tài chính - Công thương cho thấy, xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2012 ước đạt 24,52 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, mức tăng 23,6% là kết quả khá tích cực, song điều mà Bộ Công thương quan ngại nhất hiện nay là xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có xu hướng chậm lại, chỉ đạt 8,98 tỷ USD (tương đương cùng kỳ 2011). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch xuất khẩu trên 15,54 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 8/2011.

Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI một phần là nhờ những dự án về sản xuất linh kiện, điện tử đã đi vào hoạt động, song nguyên nhân chính vẫn là khối doanh nghiệp này đang có nhiều ưu thế hơn hẳn doanh nghiệp trong nước, cả về thị trường tiêu thụ ổn định, lẫn vốn vay lãi suất thấp.

Minh chứng rõ nét nhất là ở ngành cà phê, khi doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước đang ngày càng thu hẹp (chỉ còn 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp), do cạnh tranh không cân sức với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam như DakMan (Anh), Olam và Jayanti (Singapore), Amtrada (Hà Lan)…

Trong số các ngành hàng xuất khẩu, đáng chú ý nhất hiện nay là ngành thủy sản. Việc Công ty CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) có nguy cơ phá sản được xem là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp trong ngành này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản “đang có vấn đề về đầu ra”. Hiện thị trường xuất khẩu thủy sản là châu Âu và Trung Đông có biểu hiện chung là thiếu tiền mặt và tồn kho, dẫn tới mức giá và tăng trưởng tại hai thị trường này không nhiều. Còn thị trường Mỹ phải mất ít nhất hai tháng nữa mới tiêu thụ hết lượng hàng tồn”, ông Hoè nhận định.

Liên quan đến vấn đề xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2 cho biết, hiện ngân sách dành cho xúc tiến thương mại hiện còn hạn chế. Để giải bài toán này, vừa qua, Hội Mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) đã tổ chức Hội chợ Vifa Home 2012 với mục đích giúp doanh nghiệp “xuất khẩu tại chỗ” và thực tế nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu ngay tại Hội chợ. “Chi phí để thuê khu triển lãm tại Phú Mỹ Hưng khá cao, nên việc tổ chức hội chợ triển lãm có phần hạn chế. Thay vì hỗ trợ kinh phí tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ ở nước ngoài, Bộ Công thương cần tính toán hỗ trợ trực tiếp cho các hiệp hội tổ chức hội chợ ngay tại thị trường nội địa”, ông Điền Quang Hiệp kiến nghị.


Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo