Hỗ trợ doanh nghiệp

Xúc tiến thương mại: Ít tiền nhưng... “tiêu” không hết

Tiêu tiền không đúng cách, không hiệu quả vẫn là “vấn đề” khá cũ của công tác xúc tiến thương mại (XTTM). Đặc biệt, trong bối cảnh kinh phí ngày càng eo hẹp thì việc tiêu tiền sao cho hiệu quả rất cần được tính đến.

Xúc tiến thương mại mới dừng ở việc tổ chức các hội thảo, hội chợ. Ảnh: Phan thu.

Mới chỉ là bề nổi

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương mới đây, đại diện của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã “kêu” với Thủ tướng rằng, kim ngạch XK của cả nước trong những năm gần đây tăng trưởng tốt, nhưng có một điều trái ngược là ngân sách XTTM quốc gia năm sau càng ít đi so với năm trước. Nếu năm 2009 kinh phí dành cho XTTM là 172 tỷ đồng thì đến năm 2014 chỉ xấp xỉ 100 tỷ đồng, trong khi kim ngạch XK của năm 2014 tăng gần 2,5 lần so với năm 2009.
 
Riêng với ngành Thủy sản, vị đại diện này cho biết, ngân sách dành cho ngành này chỉ bằng 1/3 so với 5 năm trước, khoảng 4 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hỗ trợ cho DN. “So sánh với các nước khác, ngân sách chúng ta dành cho XTTM chỉ chiếm 0,003% so với kim ngạch XK, thấp hơn rất nhiều so với con số 0,1% của các nước trên thế giới. Nguồn kinh phí này chỉ bằng 1/12 của Thái Lan - thị trường cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới với những mặt hàng nông, thủy sản và bằng 1/5 của Bangladesh”, vị này nói.
 
Tuy nhiên, có một thực tế khác lại không được vị này đề cập đến là kinh phí ít như vậy nhưng có những năm chúng ta “tiêu” không hết. Điều đáng bàn hơn cả ở đây là cách tiêu chưa hiệu quả. Trên thực tế, các hoạt động XTTM thời gian qua mới chỉ ở mang tính bề nổi mà chưa đi vào thực chất, tức là hoạt động XTTM chủ yếu tập trung vào các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo tổ chức với nội dung nghèo nàn, ít các chương trình hỗ trợ DN mang tính thực tiễn như tư vấn thông tin, hỗ trợ đào tạo kinh nghiệm sản xuất phù hợp với thị trường mục tiêu, tìm kiếm và đánh giá khách hàng…
 
Khảo sát của phóng viên trên một số trang web của các cơ quan XTTM thì thấy rằng, những chuyên mục về thị trường, giao thương, quản lý nhà nước về XTTM, cơ hội giao thương, cẩm nang XK… đều có, tuy nhiên thiếu hẳn mảng thông tin về thị trường, khách hàng. Một số trang đã có cập nhật số liệu, thông tin về thị trường ngành hàng, sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam nhưng số liệu được cập nhật mới nhất là số liệu của… 1 năm trước.
 
Số liệu trong “Báo cáo đánh giá tiềm năng XK miền Bắc” được Bộ Công Thương công bố mới đây phần nào lý giải cho thực tế nêu trên. Theo đó, có đến 65% số DN được điều tra đã từng tiến hành nghiên cứu thị trường, song tất cả các DN này đều tự bỏ tiền ra làm. Riêng về tiếp cận thông tin từ hệ thống hỗ trợ XTTM, 80% DN đã từng nhận được sự hỗ trợ này, nhưng có khoảng 10% không muốn tiếp tục nhận thông tin từ các trung tâm XTTM.
 
Cần thông tin đối tác
 
Trong khi thông tin thị trường, khách hàng lại là yêu cầu lớn nhất mà các DN cần sự hỗ trợ thì đây lại là mặt yếu kém nhất của các cơ quan XTTM. Theo ý kiến của ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do thiếu thông tin về thị trường Nga như nhu cầu tiêu dùng gỗ hằng năm, thị hiếu người tiêu dùng, chính sách thuế, hải quan, thương mại..., cộng thêm việc thiếu tổ chức, cơ quan làm đầu mối liên kết DN hai nước nên XK gỗ của Việt Nam sang thị trường này còn khiêm tốn, dù Nga là thị trường tiềm năng.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng phải thừa nhận rằng, công tác XTTM thời gian qua còn nhiều hạn chế, điều quan trọng là phải nâng cao, cải thiện hoạt động XTTM cho thực chất hơn, tập trung hơn.
 
Cũng thừa nhận hoạt động XTTM thời gian qua chưa đi vào thực chất, chưa có những phân tích chuyên sâu, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm XTTM, Đầu tư và Du lịch Cần Thơ cho rằng, chương trình XTTM thời gian tới cần tập trung vào việc phân tích chuyên sâu, đưa thông tin về đối thủ ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh để định hướng cho DN. Ví dụ ngành hàng thủy sản, ở Việt Nam có con cá tra, ở Đài Loan, Trung Quốc có cá rô phi. Những loại cá này có giá trị dinh dưỡng, giá bán tương tự nhau. “Cơ quan quản lý cần có sự đánh giá về nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng giúp DN xác định được hướng đi - điều mà chưa đơn vị nào làm được”, ông Tùng nói.
 
Cùng ý kiến về đẩy mạnh XTTM, ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Trung tâm XTTM Bắc Giang cho biết: “Với các giải pháp đẩy mạnh XTTM, cần tập trung vào vấn đề cung cấp thông tin cho DN. Tại các thị trường mới và khó tính thì phải cung cấp cho DN thông tin về thị trường, giá cả, rào cản kỹ thuật, đối tác khách hàng, văn hóa kinh doanh… để DN có chiến lược phát triển phù hợp”.
 
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, XTTM không chỉ dừng ở việc tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm mà cần chú trọng xây dựng nội dung thông tin về thị trường, khách hàng tiềm năng, hỗ trợ đào tạo về quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thêm nữa, với đặc thù của các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa có năng lực sản xuất và nguồn lực tài chính hạn chế, nội dung các chương trình XTTM cần được thiết kế có tính đặc thù, tránh việc kết nối không hiệu quả.
 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay các hoạt động XTTM quốc gia năm 2014 đã hỗ trợ 2.533 lượt DN với 4.702 gian hàng, lượng khách tham quan, giao dịch đạt 61.725 lượt, ký được các hợp đồng kinh tế đạt 262,2 triệu USD.

 
Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo