Hà Nội thực hiện "2 mũi giáp công" để giảm thời gian giãn cách xã hội
DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Hà Nội đang tích cực thực hiện "2 mũi giáp công" là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc để giảm thời gian giãn cách xã hội.
Cà Mau: Nam công nhân cùng 5 người trong gia đình nhiễm COVID-19 / Từ đầu năm đến nay TP Hồ Chí Minh có 14.800 trẻ em mắc COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Hà Nội liên tục phát hiện ra các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, không rõ nguồn lây, nghĩa là mầm bệnh đã lây lan, len lỏi trong cộng đồng mà chúng ta không biết được. Vì thế, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội rất dài từ đầu tháng 8 đến nay.
Để giảm thời gian giãn cách xã hội xuống phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, vấn đề xét nghiệm rất quan trọng.
Khám sàng lọc trước tiêm tại điểm tiêm chủng phòng COVID-19 ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
“Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Quận 7, huyện Củ Chi của TP HCM hay Khánh Hòa… Đó là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, bảo đảm phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo đánh giá của người đứng đầu Bộ Y tế, hiện Hà Nội đang triển khai và thực hiện tích cực "2 mũi giáp công" là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc để giảm thời gian giãn cách xã hội.
Trước một số ý kiến cho rằng Hà Nội thực hiện xét nghiệm 100% toàn dân sẽ lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: Cần phải khẳng định một điều muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn phát hiện sớm nếu không xét nghiệm. Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn phải có người lây nhiễm.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm trên địa bàn thủ đô, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã điều động hơn 10 tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế về hỗ trợ cho Hà Nội triển khai hoạt động xét nghiệm, tiêm chủng.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã điều động nhân lực của các Bệnh viện trung ương, các trường đại học ở Trung ương trên địa bàn để hỗ trợ Hà Nội. Mặt khác, Bộ Y tế cũng giao những phòng xét nghiệm của Bộ trên địa bàn Hà Nội huy động tối đa để làm sao phục vụ cho xét nghiệm của Thủ đô.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã đề nghị TP Hà Nội tập huấn cho người dân để người dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, phải huy động lực lượng tình nguyện và sinh viên trên địa bàn thủ đô tham gia những công đoạn mang tính hành chính hay vấn đề về đảm bảo giãn cách, đảm bảo những hoạt động khác trong quá trình xét nghiệm.
Ngày 8/9/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn. Kế hoạch nêu rõ, thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao. Theo thống kê của CDC Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 10/9, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 9 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 2 ca tại cộng đồng, 5 ca tại khu cách ly, 2 ca khu vực phong tỏa. Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 3714 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.586 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.128 ca. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo