Hỗ trợ doanh nghiệp

Zalora Việt Nam cũng đang bị rao bán, tiếp bước Lazada?

(DNVN) - Trong khi thương vụ Alibaba mua lại Lazada vẫn còn nóng hổi trên thị trường thì có thông tin cho biết, người anh em cùng "gia đình" Rocket Internet với Lazada là Zalora cũng đang bị rao bán từng phần.

Theo báo Tri Thức Trẻ, website thời trang Zalora - đơn vị từng huy động được hơn 250 triệu USD đang lên kế hoạch rút khỏi 2 thị trường có hoạt động kinh doanh mờ nhạt gồm Thái Lan và Việt Nam nhằm giảm cắt giảm chi phí.

Nhiều khả năng, một tập đoàn lớn tại địa phương đã đồng ý mua lại Zalora Thái Lan với giá 10 triệu USD nhưng thoả thuận vẫn chưa hoàn tất.

Trong khi đó, thương vụ phía Việt Nam hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào. Hiện phía Zalora từ chối đưa ra bình luận về thông tin kể trên.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin trên Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, Rocket từng có những động thái mạnh mẽ khi mở hàng loạt các trang Lazada, Zalora, Foodpanda vào năm 2012 để thâm nhập vào ngành thương mại điện tử Đông Nam Á. Cả Lazada và Zalora đều nhắm đến việc bắt đầu có lãi từ năm 2015, tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải và thị trường tăng trưởng chậm đã trì hoãn kế hoạch này.

Theo kết quả tài chính mới nhất của Rocket Internet, doanh số của Zalora tăng 78% lên 234 triệu USD trong năm 2015. Tuy nhiên, khoản lỗ ròng cũng tăng 36% lên 105 triệu USD. Tình hình tài chính Zalora có thể không "thê thảm" như Lazada, nhưng lượng tiền mặt đã sắp cạn kiệt và việc cắt giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu.

Điều đáng nói là, Rakuten (Nhật Bản) cũng hiện tìm cách thoát khỏi thị trường Đông Nam Á bằng cách rao bán mảng kinh doanh tại Thái Lan. Trong khi đó, Alibaba lại tiến vào thị trường này khi mua lại Lazada, giúp cho Rocket Internet thu lời gấp 15 lần khoản vốn bỏ ra ban đầu cho thương vụ này. Nhưng các nhà đầu tư khác tại Lazada xem ra lại thất vọng khi tham vọng xây dựng Lazada thành Amazon Đông Nam Á vẫn còn dở dang. 

Đông Nam Á là khu vực có hơn 550 triệu dân, cùng một tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ, nhưng lại chưa có sự xuất hiện của những ông lớn như Amazon và eBay. Thương mại điện tử chỉ chiếm 3% doanh số bán lẻ trong khu vực, cộng thêm dịch vụ hậu cần chưa thích ứng và các nền văn hóa khác nhau giữa các nước... khiến việc xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử thành công ở Đông Nam Á là cực kỳ khó khăn và cần phải có nhiều vốn.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo