“Test” IQ để tuyển dụng: Xưa rồi!
Hãy nhìn vào bức ảnh này. Cô ấy đang vui, sợ, buồn hay ngạc nhiên?
Cách bạn trả lời câu hỏi sẽ quyết định bạn sẽ được nhận hay bị loại khỏi vòng tuyển dụng vào một công ty.
Câu hỏi trên kiểm tra khả năng định hình cảm xúc của bạn. Đáp án đúng được tổng kết dựa trên phân tích của các chuyên gia.
Một số câu hỏi khác sẽ được thiết kế để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên, hé lộ phần nào nhân cách, phán đoán hành vi khi đảm nhiệm công việc và khả năng hòa nhập vào công ty của người đó.
Câu hỏi trên được trích từ một số bài kiểm tra chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Intelligence) tiêu chuẩn đang được các công ty ngày càng ưa chuộng trong quá trình tuyển dụng.
Theo trang web Knowledge@Wharton của trường đại học kinh doanh Wharton School of Business, khoảng 20% công ty Mỹ sử dụng các bài test EQ để tuyển chọn ứng viên.
Trong đó, gần ¾ chuyên gia phòng nhân sự trả lời khảo sát cho biết những bài kiểm tra kiểu này giúp ích trong việc tiên đoán hành vi và khả năng “hòa nhập” tổ chức của ứng viên.
Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ số EQ còn quan trọng hơn IQ. Những người có chỉ số EQ cao thường đưa ra những quyết định tốt hơn, có mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp hòa hợp hơn.
Họ thường nằm trong top những nhân viên có năng suất cao nhất, có khả năng kiểm soát cảm xúc và tập trung trong công việc.
Trong một số trường hợp, câu trả lời được tính là “đúng” hoặc “sai” tùy vào từng vị trí mà ứng viên lựa chọn.
Ví dụ, bài viết đăng trên web trường Wharton School of Business kể lại công ty nọ đã từ chối một ứng viên cho vị trí Trưởng giám đốc tài chính, vì kết quả EQ của anh ta cho thấy mức độ lạc quan cao, nhưng tự tôn thấp.
Một ứng viên lí tưởng cho chức vụ này có thể hơi bi quan một chút cũng không sao, nhưng nhất thiết phải tự tin vào bản thân.
EQ không chỉ được sử dụng trong những bài test cho các vị trí trọng yếu trong công ty. Ngày nay, các công ty bán lẻ, hỏi đáp điện thoại và an ninh cũng dùng các bài test ngắn trực tuyến, trong công đoạn sàng lọc ứng viên cho các vị trí cần tương tác với công chúng.
Bài test có công dụng trong việc phân tách các ứng viên xuất sắc so với những người còn lại.
Ngoài ra, nó ngăn chặn tác động của các yếu tố chủ quan, ví dụ như nam tuyển dụng ngay lập tức có “thiện cảm” với một nữ ứng viên chỉ vì cô ấy xinh đẹp.
Ngay cả đối với các nhân viên lâu năm, nhiều công ty cũng tổ chức những khóa huấn luyện sử dụng EQ trong công việc, điển hình là trường kinh doanh Harvard Business School
Các nhân viên trong trường đã được tham gia khóa đào tạo sử dụng EQ khi có một đoạn hội thoại hóc búa với đồng nghiệp.
Vì trong công việc hay cuộc sống, việc không kiểm soát được cảm xúc hay không ý thức được thái độ của người khác có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo