Góc nhìn

BÀI 3: Luật sư nói gì về vấn đề tác quyền của loại hình kinh doanh siêu thị bản vẽ xây dựng?

DNVN - Siêu thị bản vẽ (STBV) là một loại hình mới trong lĩnh vực thương mại xây dựng, phù hợp với xu hướng của thời đại 4.0, nhưng cần làm đúng luật ngay từ đầu, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, kiến trúc sư và khách hàng theo đúng quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ thì mới có thể phát triển lâu dài và bền vững!

Đà Nẵng hợp tác với Tập đoàn Philips (Hà Lan) đưa sông Hàn trở thành “Dòng sông ánh sáng” / Bảo vệ tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam

Như đã đề cập ở bài trước, sự xuất hiện của loạt Siêu thị bản vẽ xây dựng (gọi tắt là STBV) đang gây nhiều tranh cãi. Người thì nhận xét đây là “luồng gió mới”, đem đến những bản thiết kế nhà ở dân dụng đẹp, tiện dụng, đầy đủ công năng và phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người dân Việt Nam; nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng hoạt động của STBV đang có biểu hiện vi phạm tác quyền kiến trúc, gây thiệt hại cho nhiều KTS, công ty kiến trúc khác.

Hệ thống siêu thị bản vẽ xaayb dựng đồng giá 6 triệu đồng...

Hệ thống siêu thị bản vẽ xây dựng đồng giá 6 triệu đồng...

Tại hội thảo “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” vừa được Hội Kiến trúc sư (KTS) TP Đà Nẵng phối hợp với CLB KTS trẻ Việt Nam tổ chức, Ths.Luật sư (LS) Nguyễn Cao Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Trọng Hùng (Đoàn LS Hà Nội) cho hay, vấn đề mới đang nổi lên trong lĩnh vực kiến trúc thời 4.0 là quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã nêu nhưng Luật Kiến trúc và các Nghị định kèm theo lại chưa ghi nhận quyền này.

Ông dẫn chứng, hiện các STBV sản xuất hàng loạt bản vẽ xây dựng với đồng giá 6 triệu; hoặc các nhà lắp ghép cũng sản xuất hàng loạt với cùng mẫu thiết kế; tương tự là các nhà shophouse, condotel, officetel… Đây đều là các loại hình liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp vì sản xuất hàng loạt, nhưng lại không được đề cập trong Luật Kiến trúc và các Nghị định liên quan, từ đó đang dẫn tới nhiều tranh cãi, bức xúc trong giới KTS!

Sau cuộc hội thảo, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi thêm với Ths.LS Nguyễn Cao Hùng về vấn đề này:

Tại hội thảo “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” chiều 10/4, LS có đề cập đến loạt STBV của Công ty Cổ phần STBV (trụ sở chính tại Đà Nẵng) vừa được khai trương ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam và “lỗ hổng” về quyền sở hữu công nghiệp chưa được Luật Kiến trúc và các Nghị định có liên quan ghi nhận. Xin LS nói rõ thêm về vấn đề này?

Ths.LS Nguyễn Cao Hùng: STBV áp dụng công nghệ 4.0 vừa ra đời đang thu hút nhiều sự chú ý. Một bản vẽ thiết kế mà bán có 6 triệu đồng, thậm chí bán không cần gặp mặt. Khách hàng lên mạng tìm hiểu, nhập kích thước khu đất của mình, số tầng, số phòng, số WC muốn xây dựng… thì phần mềm của STBV sẽ cho ra bản thiết kế. Khách hàng đồng ý thì chuyển khoàn, tải xuống rồi đem đi xin phép xây dựng.

Nhiều KTS hành nghề lâu năm không thích cách làm này của STBV nhưng họ không biết làm thế nào, vì STBV có đăng ký kinh doanh đàng hoàng. Vấn đề đặt ra là quyền tác giả các bản vẽ xây dựng của siêu thị này như thế nào, của ai? Cái này còn mới, quy định pháp luật chưa có. Có thể STBV vận dụng Luật Xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 để đi vào những phân khúc không phải xin giấy phép xây dựng; thứ hai là có thể họ vận dụng việc Luật Kiến trúc và các Nghị định liên quan chưa quy định về quyền sở hữu công nghiệp để triển khai hoạt động.

Theo tôi, ý tưởng của STBV là rất hay, phù hợp với xu hướng mới của thời đại 4.0, để cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận các bản vẽ thiết kế xây dựng nhà với mức giá vừa phải. Cái này còn rất mới, tôi cũng chưa biết hết được, nhưng khi đưa những bản vẽ vào siêu thị như thế thì phần mềm máy tính phải có bản quyền hay nhượng quyền thương mại của ai đó. Về kiểu mẫu, từ phối cảnh bên ngoài đến nội thất bên trong, cảnh quan… thì họ phải lấy của một ai đấy chứ?

Anh biết siêu thị rồi, bán rất nhiều mặt hàng, rất nhiều bản vẽ, hàng trăm hàng ngàn chứ không chỉ một bản vẽ. Hàng trăm, hàng ngàn bản vẽ đó có thể là của hàng trăm, hàng ngàn KTS, thì liệu ở đâu đó, STBV có lấy của người này, người kia không? Nếu lấy thì có xin phép, có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng? Đó chính là một trong những lý do dẫn tới việc tổ chức hội thảo “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam”. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra một hội thảo “chạm” vào vấn đề cực kỳ sát sườn, thiết thực này của giới KTS.

Theo tôi, ý tưởng của STBV trên nền tảng 4.0 là rất tốt, cần được khuyến khích. Nó cũng giống như chuyện Grab và taxi vậy, lúc đầu taxi đi kiện nhưng bây giờ phải chấp nhận Grab vì đó là xu thế của thời đại. Vấn đề còn lại mà chúng ta bàn là tác quyền, liệu có vi phạm hay không? Tôi nghĩ, thời gian đầu có thể STBV có vi phạm, vì tiền ở đâu mà họ mua hết bản quyền được!

Đối với vấn đề quyền sở hữu công nghiệp trong hoạt động của STBV thì thế nào, thưa ông?

Luật Kiến trúc hiện chỉ mới nói về quyền tác giả, tức là tác quyền, mà chưa nói gì đến quyền sở hữu công nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ có 3 quyền cơ bản: Quyền tác giả và quyền liên quan - Quyền sở hữu công nghiệp - Quyền giống cây trồng, vật nuôi. Riêng với lĩnh vực kiến trúc thì có 2 quyền liên quan là quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Quyền tác giả thì Luật Kiến trúc đã ghi nhận, nhưng quyền sở hữu công nghiệp lại chưa được ghi nhận.

Sở hữu công nghiệp thì có nhiều thứ: nhãn hiệu, sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và sản xuất hàng loạt... Nếu sáng chế chưa đủ sáng tạo thì gọi là giải pháp hữu ích. Chẳng hạn trường hợp phần mềm của STBV chưa đủ để cấp bằng sáng chế thì nó thuộc dạng giải pháp hữu ích giúp giảm giá thành, thay vì mấy chục triệu đồng thì còn có 6 triệu đồng/bản vẽ, càng rẻ càng tốt, ứng dụng khoa học công nghệ thì càng tốt.

Và điều đầu tiên của sở hữu công nghiệp phải là sản xuất hàng loạt, còn quyền tác giả thì chỉ sản xuất một vài cái. Sở hữu công nghiệp phải mang tính chất công nghiệp, thương mại. Ví dụ một KTS vẽ một bản vẽ, bán rất rẻ, thay vì 100 triệu thì chỉ bán 10 triệu nhưng bán cho 10 người thì vẫn là 100 triệu…

đang gây nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề tác quyền kiến trúc

đang gây nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề tác quyền kiến trúc.

Nhưng 1 bản vẽ bán cho 10 người như vậy thì có được hay không?

Được chớ có chi đâu! Trong hợp đồng tôi ghi là bán quyền sử dụng chứ không bán quyền sở hữu, còn sau này tôi lấy cái đó bán tiếp cho người khác. Trừ khi như thế này thì không được: Tôi bán bản vẽ cho người ta, thậm chí bán luôn quyền sở hữu, để chủ đầu tư xây dựng. Sau đó có ai đó (có thể là chủ đầu tư hoặc KTS khác…) tới “ăn cắp” bản vẽ đó về làm cái của mình thì không được!

Vấn đề là Luật Kiến trúc và các Nghị định liên quan chưa ghi nhận quyền sở hữu công nghiệp, chỉ mới nghĩ đến quyền tác giả của KTS mà chưa nghĩ đến việc KTS có quyền sản xuất hàng loạt. Sở hữu công nghiệp có 3 đặc tính: Mới – Sáng tạo và Sản xuất hàng loạt. Đặc tính sản xuất hàng loạt là một trong những yếu tố không thể thiếu trong sở hữu công nghiệp.

Việc Luật Kiến trúc chưa ghi nhận quyền sở hữu công nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến những người sản xuất hàng loạt, và ảnh hưởng như thế nào đến các nhà sáng tác?

Việc Luật Kiến trúc chưa ghi nhận quyền sở hữu công nghiệp thì có lợi cho những người sản xuất hàng loạt, cho chủ đầu tư, cho tư vấn thiết kế; còn KTS thì bị thiệt hại. Ông thuê KTS vẽ 1 bản vẽ xây dựng, rồi thuê 3 KTS khác làm 3 catalogue thiết kế nội thất, gồm cả dự thảo giá thành. Trả tiền tác quyền một lần xong, ông dùng 4 bản thiết kế đó làm hàng trăm, hàng ngàn công trình ở nhiều nơi nhưng không có quyền sở hữu nghiệp của KTS trong đó, do Luật Kiến trúc chưa ghi nhận quyền này. Đó là cái bất lợi của KTS!

Kể cả STBV cũng có khả năng giống như tôi vừa nêu, nhưng Luật Kiến trúc lại chưa ghi nhận quyền sở hữu công nghiệp, vì Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch chưa nhận diện ra được việc này do nó còn rất mới, loại hình hoạt động như của STBV còn rất mới. Đây là nhìn nhận của LS với tư cách cá nhân của tôi chứ không phải của toàn bộ LS Việt Nam hay thế giới.

Chúng ta ủng hộ cái mới trên tinh thần là ủng hộ cái mới đúng luật. Nếu luật chưa quy định thì cần phải phản ảnh để bổ sung luật, để như STBV chẳng hạn, họ cũng có thể tổ chức và hoạt động loại hình của mình đúng luật, tôn trọng các quyền của KTS; đồng thời các KTS thấy STBV ra đời thì họ cũng có thể có quyền lợi trong đó!

Đúng rồi, KTS có thể gửi hàng vào bán ở STBV chứ. Có nghĩa là thay vì trước đây KTS vẽ một cái nhà, lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản; mà thực ra chưa ai làm điều đó, KTS toàn ghi là hợp đồng tư vấn thiết kế chứ không có điều khoản nào là chuyển nhượng quyền sở hữu bản vẽ đó, nhưng chủ đầu tư thì cứ nghĩ là mình đã mua đứt bản vẽ, bản quyền này là của mình.

Sắp tới đây sẽ có loại hợp đồng gọi là “chuyển giao quyền sử dụng” cho khách hàng thôi; còn sau đó KTS có thể đưa bản vẽ đó vào siêu thị, dù chỉ bán với giá 6 triệu/bản vẽ nhưng bán cho 10 người thì được 60 triệu, hơn là chỉ bán cho 1 người được 30 triệu. Cho nên có những điều rất hay trong vấn đề này, tuy nhiên lâu nay giới KTS không mấy quan tâm đến chuyện luật, ngay cả hợp đồng cũng không chịu thuê LS tư vấn về pháp lý, cho nên cứ xảy ra tranh chấp hoài.

Cần phải chấp nhận dạng 4.0 như STBV. Các KTS trẻ mới ra trường chưa nổi tiếng, chưa bán được hàng, chưa ai thuê vẽ thì họ có thể vẽ cho siêu thị, “không thành công cũng thành nhân”, có thể tự quảng cáo cho mình. Dựa vào siêu thị bán dần dần, đôi khi lại bán được nhiều hơn nữa.

Vấn đề là siêu thị phài tôn trọng tác quyền của KTS đó, trong bản vẽ thiết kế phải ghi rõ tên tác phẩm, tác giả, tổ chức tư vấn thiết kế hoặc đơn vị mà KTS hành nghề… thì mới đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, vì quyền nhân thân là quyền vĩnh viễn. Nếu có trường hợp khách hàng mua bản vẽ của STBV mà không có những nội dung này thì STBV vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Như vậy, vấn đề ở đây là làm đúng luật về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kiến trúc sẽ có lợi cho cả 3 bên: Siêu thị bản vẽ, các KTS và khách hàng?

Đúng vậy! Có đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên theo đúng quy định pháp luật thì mới phát triển lâu dài, bền vững được!

Xin cám ơn Luật sư đã dành cho Doanh nghiệp Việt Nam cuộc trao đổi này!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm