Góc nhìn

BÀI 4: Tổng Giám đốc Siêu thị bản vẽ lên tiếng trước nghi vấn vi phạm tác quyền kiến trúc

DNVN - Trước những tranh cãi liên quan đến vấn đề tác quyền kiến trúc, KTS Nguyễn Bá Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Siêu thị bản vẽ (trụ sở chính tại Đà Nẵng và đã có hàng chục cửa hàng tại khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam) đã có cuộc trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam nhằm làm rõ thêm những vấn đề mà dư luận đang thắc mắc!

Đà Nẵng hợp tác với Tập đoàn Philips (Hà Lan) đưa sông Hàn trở thành “Dòng sông ánh sáng” / Bảo vệ tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam

Sản phẩm của siêu thị bản vẽ không được cấp phép xây dựng nếu không có pháp nhân

Liên quan đến vấn đề tác quyền kiến trúc trong hoạt động của hệ thống siêu thị bản vẽ (STBV - thuộc Công ty STBV, trụ sở chính tại Đà Nẵng), phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã liên hệ với ông Ngô Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị (UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về việc cấp phép xây dựng đối với các chủ nhà sử dụng bản vẽ thiết kế của hệ thống STBV mà mới đây cũng vừa khai trương một cửa hàng lớn trên địa bàn quận này.

KTS Nguyễn Bá Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Siêu thị bản vẽ

KTS Nguyễn Bá Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Siêu thị bản vẽ.

Theo ông Ngô Văn Thanh, dù sử dụng bản vẽ của STBV hay của bất cứ ai thì hồ sơ thiết kế cũng phải do đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân lập mới được cấp giấy phép xây dựng nhà ở theo quy định. Công trình bao nhiêu tầng, diện tích đất bao nhiêu, diện tích sàn bao nhiêu… thì phải có đóng dấu, ký tên của công ty tư vấn thiết kế có chức năng hành nghề, được nhà nước cấp phép hoạt động thì cơ quan chức năng mới cấp phép xây dựng.

Ông Ngô Văn Thanh nói: “Chúng tôi không quan tâm STBV là cái gì. Có thể họ có một số bản vẽ mẫu, người dân có nhu cầu thì siêu thị này tư vấn cho xem, nhưng khi xin cấp phép xây dựng thì phải đảm bảo thủ tục theo quy định. Người dân mua bản vẽ của STBV mà không đảm bảo quy định như nêu trên thì cơ quan chức năng sẽ không cấp phép xây dựng mà trả lại hồ sơ.

Khách hàng mua bản vẽ của STBV chỉ được cấp phép xây dựng với điều kiện đơn vị này cũng có đầy đủ tư cách pháp nhân, chứng chỉ hoạt động, hành nghề xây dựng đảm bảo theo quy định pháp luật. Khi đó, STBV cũng được xem là một đơn vị tư vấn thiết kế có chức năng hành nghề thì bản vẽ của họ mới được cấp phép xây dựng, còn nếu STBV chỉ là… siêu thị, là nơi bán hàng mà không có chức năng hành nghề xây dựng thì bản vẽ của họ không thể được cấp phép!”.

Tổng Giám đốc Công ty Siêu thị bản vẽ lên tiếng

Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi mua bản vẽ thiết kế xây dựng của STBV, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Bá Hải, Tổng Giám đốc Công ty STBV.

Theo Phòng Quản lý đô thị (UBND quận Thanh Khê), STBV phải có tư cách pháp nhân hành nghề xây dựng thì các bản vẽ thiết kế nhà ở bán cho khách hàng mới được cấp phép xây dựng. Vậy STBV có tư cách pháp nhân này không?

KTS Nguyễn Bá Hải: SVBV có tư cách pháp nhân để làm hồ sơ cấp phép xây dựng cho khách hàng. Trước khi lập ra STBV, chúng tôi đã có Công ty xây dựng KASAI hoạt động 7 năm nay, có chứng chỉ hành nghề, có đầy đủ hồ sơ năng lực tư vấn thiết kế, có dấu đỏ của công ty đàng hoàng để làm được cấp phép xây dựng cho khách hàng mua bản vẽ thiết kế của STBV. Hồ sơ cấp phép xây dựng này là chính thức chứ không phải để hợp thức.

Đang có những ý kiến khác nhau về vấn đề tác quyền của STBV. Ông giải thích về vấn đề này như thế nào?

Hiện tại 100% sản phẩm trong STBV đều của chúng tôi làm ra chứ không lấy ở ngoài và cũng không lấy trên mạng gì hết. Bản vẽ của chúng tôi đều có đăng ký sở hữu trí tuệ, đứng tên tôi và tên một người đồng hành với tôi; và chủ sở hữu là Công ty STBV. Vì vậy chúng tôi không có lo về chuyện tác quyền kiến trúc gì cả!

Nhưng theo một số thông tin thì STBV hiện có tới khoảng 3.000 bản vẽ thiết kế, thì làm sao Công ty có thể vẽ ra được nhiều đến vậy trong khi chỉ mới đi vào hoạt động thời gian ngắn?

Hiện tại số lượng bản vẽ của STBV chưa tới 3.000, mới khoảng gần 2.000 và chúng tôi đang đưa dần dần lên trang web của Công ty. Đồng thời chúng tôi có bộ phận chỉnh sửa bản vẽ. Tức là khi khách hàng chọn được bản vẽ ưng ý rồi thì bên tôi có thể chỉnh sửa để phù hợp với khu đất của họ, có thể thay đổi một chút kết cấu móng để phù hợp với điều kiện địa chất thực tế tại khu đất của khách hàng.

Vậy thì chuyện “đồng giá 6 triệu đồng/bản vẽ” nghĩa là sao?

Tức là nếu anh mua một bộ có sẵn thì có giá 6 triệu. Trước đây, trong quá trình thiết kế, bên tôi đi đo đạc từng công trình, lên các phương án cho chủ nhà… Quá trình đó có thể lên đến 1 – 2 tháng và chủ nhà quyết định tất cả mọi thứ, từ nội thất, phối cảnh… Bây giờ câu chuyện 6 triệu là chúng tôi có kho bản vẽ sẵn, khách hàng chọn phối cảnh, bố trí công năng, nội thất… Nếu ưng ý, khách hàng có thể mua luôn bộ hồ sơ đó. Như vậy, họ vẫn thỏa mãn được nhu cầu của mình mà không phải mất quá nhiều thời gian, chi phí.

Ông có thể nói rõ thêm về việc “chỉnh sửa” bản vẽ mà ông vừa đề cập lúc nãy?

Ví dụ anh muốn xây ngôi nhà trên khu đất rộng 6x12m; sau khi tìm hiểu kho dữ liệu của STBV, anh thích mẫu nhà 5x13m chẳng hạn thì bên tôi sẽ hỗ trợ chỉnh sửa từ mẫu 5x13m sang mẫu 6x12m để phù hợp với khu đất thực tế và nhu cầu của anh. Như vậy không tồn nhiều thời gian, chúng tôi chỉ chỉnh sửa 2 – 3 ngày là xong bộ hồ sơ mới, nội thất, ngoại cảnh cũng không thay đổi nhiều, đảm bảo các yêu cầu về thời gian, công năng phục vụ.

Thế là chỉnh sửa trên bản vẽ thôi chứ không phải tới đo đạc thực tế gì cả?

Khu đất thì chúng tôi nhìn sổ đỏ là biết rồi, có cần đi thực tế gì nữa đâu. Lây nay công ty chúng tôi cũng làm toàn quốc, mỗi năm thiết kế gần 400 công trình. Có những công trình phức tạp thì chúng tôi sẽ đo đạc, còn hầu hết bây giờ các khu đất xây dựng nhà ở đã được quy hoạch nên cũng dễ dàng thôi.

Như vậy là ông khẳng định STBV hoàn toàn đảm bảo về vấn đề tác quyền?

Vâng, chính xác 100% là như vậy!

Nhưng có ý kiến cho rằng có những mẫu nhà STBV đưa ra quảng cáo trên trang web của mình thì nhiều người đã thấy nó xuất hiện tràn lan trên mạng rồi, bây giờ STBV lại lấy những mẫu nhà đó quảng cáo cho mình?

100% không có chuyện đó. Sản phẩm của STBV không lấy ở ngoài thì làm sao tràn lan trên mạng được. Có thể có người không biết về bên tôi, hoặc ai đó muốn bêu xấu chúng tôi nên nói vậy thôi, còn sản phẩm của mình thì chúng tôi biết. Chúng tôi đã đã mở tới gần 80 chi nhánh khắp cả nước chứ có phải một công ty mở ra cho vui đâu mà làm chuyện như thế. Mình phải đảm bảo chắc chắn vấn đề bản quyền thì mới làm đến mức như vậy chứ!

100% sản phẩm trong kho dữ liệu STBV là của chúng tôi. Ngoài ra, có một số đơn vị thân thiết được ký gửi sản phẩm ở STBV nhưng họ phải cam kết rạch ròi trong hợp đồng là đảm bảo vấn đề tác quyền, không có tranh chấp. Nếu có xảy ra tranh chấp với các sản phẩm ký gửi thì đơn vị ký gửi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không phải STBV, còn sản phẩm do STBV tạo ra thì chúng tôi chịu trách nhiệm 100%.

Nếu tôi mua bản vẽ 6 triệu của STBV thì tôi có được độc quyền bản vẽ đó không?

Không đâu, vì STBV đang hướng tới tính phổ cập. Chúng tôi làm nghề nên biết rõ rất nhiều người không thể bỏ ra 30 – 40 triệu để có một bản vẽ thiết kế nhà đẹp. Rất khó đối với họ. Có ý kiến cho rằng STBV đang sản xuất hàng loạt, thì đó là gì? Theo chúng tôi, miễn nó đẹp là được, sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhiều hơn.

Nhân viên STBV tư vấn cho khách hàng

Nhân viên STBV tư vấn cho khách hàng.

Còn về giá trị của sản phẩm, cũng giống như cuốn sách của một vị tỉ phú, giá trị chất xám lên tới hàng trăm ngàn USD nhưng người ta vẫn bán 200.000 đồng/cuốn sách để phổ cập được những thông điệp từ vị tỉ phú đó đến nhiều người hơn. Và khi bán được 1 triệu cuốn thì giá trị của sản phẩm đó tăng lên rất nhiều.

Nhiều người cứ bảo STBV phá giá, nhưng họ đâu có biết 1 bộ bản vẽ giá 6 triệu nhưng chúng tôi bán cho 100 khách hàng thì thu về tới 600 triệu đồng, lớn hơn rất nhiều so với giá trị chất xám của những người khác bán giá 30 – 40 triệu đồng/bản vẽ. Cốt lõi của câu chuyện là nằm ở đó, và điều chúng tôi muốn hướng tới là phổ cập các thiết kế nhà đẹp đến nhiều vùng miền hơn.

Hiện ở các vùng nông thôn, miền núi không có KTS nào về đó mở văn phòng thiết kế cho khách hàng cả; vì vậy việc mở STBV ở đó rất khả thi và chúng tôi đưa các thiết kế nhà đẹp đến với khách hàng ở những nơi như thế. Ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Quảng Nam, Quảng Ngãi.. chúng tôi mở nhiều chi nhánh STBV và người dân ở đó được hưởng lợi rất nhiều.

Không chỉ có được bản vẽ thiết kế nhà đẹp với mức giá hợp lý mà người dân còn tiết kiệm nhiều chi phí xây dựng, tránh phát sinh. Khi không có gì để dựa theo trong quá trình xây nhà thì mấy ông thợ hồ chỉ tưởng tượng trong đầu và làm cho chủ nhà phát sinh rất nhiều thứ, còn khi có bản vẽ thiết kế của STBV sẽ giúp chủ nhà biết được giá trị xây dựng ngày từ đầu, có thể lường trước được các phát sinh. Đó là giá trị của một bộ bản vẽ mà STBV đang hướng tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp với các nhà thầu, nhà phân phối vật tư, vật liệu… tại tất cả các nơi chúng tôi mở STBV để đưa được giá nhận thầu, giá vật tư ở mức thấp nhất. Đó là giá trị mà doanh nghiệp chúng tôi hướng tới chứ không chỉ bán bản vẽ thiết kế là xong. Công ty chúng tôi có đội ngũ giám sát có thể theo khách hàng trong suốt quá trình xây dựng, nhưng đó là một loại dịch vụ khác ngoài bản vẽ!

Nếu sau khi xây nhà cho mình, khách hàng đưa bản vẽ của STBV cho một người khác làm giống y như vậy thì sao?

Khi làm việc với khách hàng, chúng tôi có hợp đồng ủy quyền cho khách hàng sử dụng. Đó là sản phẩm của tôi và tôi chỉ cho anh sử dụng tại một khu đất thôi, còn nếu anh dùng tiếp ở một khu đất khác, xây một cái nhà tương tự thì bên tôi có quyền kiện.

Lâu nay dân mình có thói quen xây nhà xong, có người khác đến hỏi nhà đẹp thì cho họ bộ hồ sơ đó để về xây, nhất là ở vùng quê người ta tiết kiệm chi phí. Nhưng đó là khi bản vẽ thiết kế có giá tới 30 – 40 triệu đồng/bộ, còn bây giờ anh xây được cái nhà đẹp rồi, có ai tới hỏi thì anh chỉ ra STBV mua, chỉ 6 triệu đồng/bộ. Vì người ta đâu muốn nhà nào cũng giống nhà nào nữa mà muốn có sự khác biệt, muốn cá tính hóa ngôi nhà của mình!

Nhưng với giá chỉ 6 triệu đồng/bộ bản vẽ thì làm sao STBV có thể tạo được sự khác biết, cá tính hóa cho ngôi nhà của mỗi khách hàng?

Bởi vì kho dữ liệu của chúng tôi lớn, một sản phẩm có thể xây dựng ở khắp toàn quốc chứ đâu phải chỉ ở một chỗ. Ví dụ, tại một ngôi làng thì không ai xây nhà giống nhau, nhưng cũng thiết kế đó một ông xây ở Lạng Sơn, một ông khác xây ở Cà Mau thì đâu có vấn đề gì đâu. Người ta có đến tận nơi kiểm chứng đâu mà biết có giống nhau hay không!

Ông có thể chia sẻ với mọi người về cái đích mà ông cùng các đồng sự ở STBV hướng tới?

Chúng tôi xây dựng dự án này từ năm 2019, có đội ngũ luật sư tư vấn hẳn hỏi về thủ tục pháp lý, bản quyền… hẳn hoi, vì thương mại hóa lĩnh vực xây dựng trên nền tảng 4.0 lâu nay chưa có ai làm được. Và khi theo đuổi dự án này, chúng tôi hướng tới cái đích cao hơn, còn STBV chỉ là một hệ sinh thái trong rất nhiều hệ sinh thái mà chúng tôi sẽ làm.

Cách làm của chúng tôi là đưa sản phẩm ra thị trường, khách hàng phản ứng như thế nào thì sẽ điều chỉnh dần cho phù hợp. Làm thương mại thì quan tâm nhất là sản phẩm và khách hàng thôi. Và điều may mắn là dù mới đưa ra thị trường nhưng sản phẩm của chúng tôi được khách hàng đón nhận rất tốt, sản lượng khá OK.

Nhiều khách hàng thấu hiểu và rất vui mừng với sản phẩm của STBV. Chúng tôi bán sản phẩm ở các vùng miền núi, nông thôn Nghệ An chẳng hạn, người ta vẫn làm ra tiền nhưng để xây được ngôi nhà đẹp thì không có ai tư vấn mà chỉ xây theo kinh nghiệm địa phương nên không thể có ngôi nhà đẹp được.

Cái đích mà chúng tôi muốn hướng tới là tất cả những thứ gì liên quan đến xây dựng dân dụng nhà ở sẽ được quy chuẩn hóa, thương mại hóa. Ví dụ về vật tư, vật liệu thì hiện tại giá cả đang biến động rất lớn hàng ngày. Như sắt thép, sáng hôm qua giá khác, buổi chiều lên thêm 200 ngàn đồng/tấn liền.

Vì vậy chúng tôi muốn từ việc phổ cập, thương mại hóa bản vẽ kiến trúc sẽ kéo theo các nguồn vật tư, vật liệu, nhân công… có khách hàng đều hơn, từ đó sẽ giảm được giá xuống. Qua đó, giá xây dựng một ngôi nhà ở Việt Nam sẽ giảm xuống, việc xây nhà đối với người dân sẽ dễ dàng hơn. Đó là mục đích cao hơn mà chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cho 5 – 7 năm tiếp theo.

Xin chúc ông và Công ty STBV sẽ thành công trên định hướng này và sẽ có nhiều người được hưởng lợi. Thành công của mình mà nhiều người được hưởng lợi thì đó mới là thành công nhân bản và bền vững!

Đúng vậy! Chúng tôi chỉ hướng tới khách hàng. Khách hàng thấy vui vẻ, thấy có lợi ích từ sản phẩm của mình thì mình mới thành công, còn nếu không đạt được điều đó thì phải chỉnh sửa cho đến khi nào đạt được. Đó mới là điều chúng tôi hướng tới, chứ không đi cạnh tranh với các KTS, vì bản thân tôi cũng là một KTS, vẫn có công ty thiết kế với giá rất cao nhưng phù hợp với tệp khách hàng kiểu khác. Đó là lựa chọn phân khúc khách hàng thôi!

Cám ơn ông đã dành cho Doanh nghiệp Việt Nam cuộc trao đổi này!

Siêu thị bản vẽ - Có gì HOT?

Thấy nhiều bạn làm thiết kế chê Siêu thị bản vẽ (TBV) mới khai trương. Công bằng mà nói, hệ thống STBV này ra đời sẽ lấy đi khá nhiều khách hàng của rất nhiều công ty thiết kế chứ không đùa. Nhu cầu khách cần cái bản vẽ thiết kế nhà cơ bản với chi phí thấp là rất nhiều.

Trong quảng cáo của STBV, người ta ghi đồng giá 6 triệu cho 1 thiết kế. Nhiều bạn phân tích giá như này quá rẻ mạt sẽ mang đến chất lượng thấp kém? Không thể tuỳ chỉnh được nhiều? Nhưng theo mình 6 triệu là còn đắt đấy.

Trong tương lai, STBV nên miễn phí bản vẽ luôn vì tệp khách hàng của họ sẽ tăng từng ngày, chỉ cần bán Data, kết nối với ông vật liệu xây dựng, ông sắt thép, ông cửa ngõ, thiết bị vệ sinh phòng tắm… thì ngồi ăn % cũng đủ. Đó là chưa nói đến vô số những kế hoạch kinh doanh mà hệ thống này đã toan tính. Nó chắc chắn phải hơn rất nhiều cty thiết kế chỉ đang biết ngồi vẽ.

Yahoo đã chết như thế nào khi Facebook ra đời, Nokia đã chết ra sao khi iPhone xuất hiện?

Về cơ bản với những công trình cần thiết kế chuyên sâu thì người ta sẽ nhờ mấy công ty thiết kế bên ngoài, thị phần này vẫn cao chứ không ít. Nhưng nên nhớ, STBV ngoài bán những thiết kế có sẵn thì khi khách cần, đội ngũ của họ cũng vẽ đa dạng không kém gì các công ty thiết kế khác, thậm chí mức độ biến hoá càng cao hơn.

Về độ nhận diện thương hiệu và độ phủ thì một công ty thiết kế khó mà hơn được cả hệ thống hoạt động theo dạng này. Đừng đem chuyện công ty này có nhiều bản vẽ đẹp hay công ty kia từng làm công trình này công trình nọ để so sánh. Cái mà STBV hướng đến là kiếm tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất thông qua một hệ cơ sở dữ liệu đồ sộ về bản vẽ.

Tính về thị phần thì sẽ thấy nhiều câu chuyện để nói, chứ để mà so sánh một công ty thiết kế nào đó với chuỗi hệ thống này thì cá nhân mình thấy khập khiễng. Giờ nhiều công ty mới ra đời có những cái hay chứ không phải cứ lâu đời là ngon đâu. Ví dụ như K-decor mới 3 năm tuổi nhưng cũng nhanh chóng gom thị phần về mình.

Ít ai biết, đơn vị thiết kế, thi công, lắp đặt nội thất cho dự án Vinhomes Golden River, biệt thự FLC Hạ Long, biệt thự Hoàng Anh Gia Lai, Thảo Điền Pearl lại là một công ty mới 3 năm tuổi. Đây còn là đối tác thi công, thiết kế chính cho hệ chuỗi nhà hàng The Pizza Company, Pizza Hut, King BBQ, The Coffee House, iSushi...

Chưa hết, K-Decor cũng có được các hợp đồng với chuỗi bán lẻ của Vinmart, FPT, Bách Hóa Xanh, PNJ, Juno, Xiaomi, Huawei, Peugeot, Nhà thuốc Long Châu...Đấy, không đùa được đâu!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm