Hỗ trợ doanh nghiệp

Bán vốn nhà nước tại Vinamilk, FPT để... xây bệnh viện, chống ngập lụt

(DNVN) - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về sử dụng một phần số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện...

Mới đây, lãnh đạo Chính phủ cho biết việc thoái vốn SCIC tại các doanh nghiệp Nhà nước không phải vì ngân sách khó khăn nhưng lại xin bổ sung 40.000 tỷ vào ngân sách Trung ương 2015-2016, trong khi Quốc hội yêu cầu lập danh mục rõ ràng về việc sử dụng nguồn vốn này.

Nêu quan điểm của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước là theo chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp, có lộ trình và bước đi cụ thể.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp (Vinamilk, FPT...) để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện, chống ngập lụt. Ảnh minh họa.

Theo ông Nên, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về định hướng sử dụng một phần số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh.

Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, phương thức thoái vốn sẽ được thực hiện theo quy định. Lộ trình thoái vốn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương thức thoái vốn cho từng doanh nghiệp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện nhằm đạt được lợi ích cao nhất. Các nhà đầu tư có đủ năng lực đều có thể tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nói trên theo giá thị trường.

Trước đó, trả lời báo chí về việc này, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là chủ trương lớn, Chính phủ có văn bản chấp thuận thoái vốn 10 doanh nghiệp như công bố chỉ là một trong những việc nhằm cụ thể hóa chủ trương này.

Cũng theo ông Tân, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính bổ sung kinh phí từ năm 2015 cho chương trình nông thôn mới từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, Bộ Tài chính phải huy động các nguồn, trong đó có nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để bổ sung tăng đầu tư phát triển trong trung hạn, đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn số vốn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế.

Trước câu hỏi liệu có phải do ngân sách khó khăn mà Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp này, ông Tân cho nhận định là không hẳn như vậy.

 

"Việc SCIC thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn không phải vì mục tiêu ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến, đây nằm trong kế hoạch thực hiện định hướng của Chính phủ là thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp", ông Tân nói.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo