Hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính bác đề xuất ưu đãi cho Lọc dầu Dung Quất của PVN

(DNVN) - Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi chính thức về những kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trong văn bản trả lời PVN, Bộ Tài chính đề nghị PVN thực hiện thuế nhập khẩu dầu diezen, theo quy định hiện hành và sẽ tiếp tục theo dõi biến động của giá dầu thô để lựa chọn thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Bộ Tài chính cũng cho biết, việc điều chỉnh (nếu có) sẽ theo đúng luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành; phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, phương án điều chỉnh xăng dầu trong nước. Đồng thời, phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, phương án điều hành giá xăng dầu trong nước.

Đối với đề xuất áp dụng mức giá trị ưu đãi là 3% đối với sản phẩm hoá dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng, dầu của PVN cũng bị Bộ Tài chính bác bỏ. Tại văn bản, Bộ Tài chính nêu rõ việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu, vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi biến động của giá dầu thô để lựa chọn thời điểm điều chỉnh phù hợp theo nguyên tắc thực hiện đúng Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời, phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới và phương án điều hành giá xăng dầu trong nước.

Trước đó, trong văn bản báo cáo gửi lên Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, PVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu diesel về 7% và các sản phẩm hoá dầu về 0% cho những tháng cuối năm 2015.

Lý giải về đề xuất này, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn từng cho biết, do chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu làm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chuyển sang mua các sản phẩm nhập khẩu từ nguồn các nước ASEAN để hưởng chênh lệch thuế, khiến xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất gặp khó trong khâu tiêu thụ. 

 

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết, theo cam kết trong ASEAN, hiện nay thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng với các mặt hàng từ ASEAN, cụ thể xăng 20%, dầu DO là 5%, nhiên liệu phản lực (Zet A1) là 5%. Năm 2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu DO và Zet A1 các nước ASEAN sẽ về 0%.

Trong khi đó, thuế suất áp dụng cho xăng dầu Dung Quất lần lượt là: xăng 20%, dầu DO là 10%, nhiên liệu phản lực (Zet A1) là 10%. Theo tính toán, PVN nhận thấy, giá thành sản phẩm dầu DO của Dung Quất cao hơn 5% so với hàng cùng chủng loại nhập từ Singapore hoặc Thái Lan (những nước xuất khẩu dầu DO cho Việt Nam). 

Trong trường hợp này, giá hàng nội cao hơn hàng ngoại không phải là do giá thành sản xuất cao, cũng không phải do công nghệ lạc hậu dẫn đến tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều nhân công đẩy giá lên cao, càng không phải nguyên nhân do năng lực sản xuất của NMLD Dung Quất thấp  kém... mà đây chỉ là do chính sách chưa theo kịp với lộ trình cam kết với các nước ASEAN. 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo