Bộ Văn hóa lên tiếng về việc "bán" Hãng phim truyện Việt Nam
Thời gian qua, thông tin về quá trình cổ phần hóa VFS đã khiến dư luận xã hội có nhiều ý kiến đặt ra. Cụ thể, dư luận thắc mắc tại sao lại bán cho một Công ty Vận tải thủy và quá trình cổ phần hóa này có đúng với các quy định của pháp luật Nhà nước hay không? Bộ sẽ bố trí cán bộ, nhân viên của VFS như thế nào? Ai sẽ là người giữ bản quyền của các bộ phim trước đây do VFS sản xuất? Bộ VHTTDL có cơ chế gì để quản lý hoạt động của Hãng Phim khi đơn vị mua không thực hiện đúng cam kết trong việc sử đất đai...
Trả lời cho những câu hỏi này tại một cuộc mới đây, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc tiến hành cổ phần hóa VFS được thực hiện đúng theo quy định của nhà nước. Đáng lẽ ra sau khi cổ phần hóa VFS, Nhà nước sẽ chỉ nắm 1-2% cổ phần hoặc không nắm giữ % nào vì theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần hóa thì Nhà nước không cần nắm cổ phần đối với loại hình doanh nghiệp về điện ảnh, chỉ nắm cổ phần một số doanh nghiệp đặc thù như Hãng phim Hoạt hình và Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương.
Tuy nhiên Bộ VHTTDL xem xét thấy VFS có bề dày lịch sử 56 năm, là cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt với rất nhiều tác phẩm kinh điển nên đã quyết định Nhà đầu tư chiến lược giữ 65% cổ phần, số cổ phần còn lại được chia theo phương án: 20% do Nhà nước nắm giữ; 4,5% do cán bộ, công nhân viên nắm giữ; đấu giá công khai 10,5%.
Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm nên việc Công ty Vận tải thủy kinh doanh lĩnh vực sản xuất phim ảnh là hoàn toàn hợp pháp. Đơn vị này cũng không nhất thiết phải trực tiếp làm phim mà có thể thuê người quản lý và các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này.
Để giải thích thêm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - Trần Hoàng cho biết, trước khi quá trình cổ phần hóa diễn ra, cơ quan chức năng đã gặp gỡ và phổ biến tới tất cả cán bộ nhân viên của VFS về việc ai biết nhà đầu tư chiến lược nào thì giới thiệu.
Thông tin về việc tìm kiếm nhà đầu tư đã được đăng báo rộng rãi, dán trên bảng thông báo tại VFS và cũng được đơn vị tư vấn cổ phần hóa do Bộ Tài chính lựa chọn đăng tải trên trang web của mình. Trước Công ty Vận tải thủy đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc cổ phần hóa VFS nhưng sau khi tìm hiểu thì đã bỏ đi không phản hồi. Trong khi theo Luật doanh nghiệp hiện hành, Nhà nước không thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên việc cổ phần VFS đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, khi thực hiện quá trình cổ phần hóa, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ VHTTDL đã đưa ra 7 cam kết mà nhà đầu tư chiến lược bắt buộc phải thực hiện: 90% doanh thu doanh nghiệp cổ phần hóa phải từ phim chứ không mặt hàng khác; trả tiền thuê đất Hãng phim Việt Nam nợ; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc sản xuất phim; tuân thủ phương án sử dụng đất chỉ để phục vụ sản xuất phim; sử dụng toàn bộ số lao động của Hãng phim có nguyện vọng về công ty cổ phần; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động; sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ cổ phần hóa đầu tư sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất, trả nợ, còn lại 20% đấu thầu sản xuất phim; Nhà nước cử 3 người vào ban lãnh đạo gồm: 1 người trong Hội đồng quản trị, 1 người trong Ban giám đốc và 1 người trong Ban kiểm soát. Sau khi đưa ra các tiêu chí này, Công ty Vận tải thủy đã cam kết thực hiện.
Trước những câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất đằng sau sự định giá bán cổ phần VFS, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, quá trình thực hiện, Bộ VHTTDL đã rất thận trọng, việc định giá này do một đơn vị tư vấn độc lập trong danh mục do Bộ Tài chính quy định. Mặc dù VFS có giá trị về mặt lịch sử nhưng lợi thế kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính khi định giá là 0 đồng. Trong đó, kho tài sản bản sao hơn 325 phim đã cũ cũng được đem ra định giá theo nguyên tắc dựa trên nguyên vật liệu để hình thành nên những bộ phim đó, có giá trị vào khoảng 3 tỷ đồng.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết thêm, trong suốt một thời gian dài, VFS lỗ vì nhiều nguyên do, lại chủ yếu trông chờ vào phim do Nhà nước đặt hàng. Mỗi năm, Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL mỗi năm đều đặt 1-2 phim để Hãng có tiền duy trì bộ máy. Hiện trạng, giá trị tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá là 97 tỷ đồng, trong đó các khoản nợ phải trả khoảng 78 tỷ đồng, do đó giá trị phần vốn nhà nước là 19,7 tỷ đồng (chưa tính giá trị đất). Tuy nhiên, sắp tới sẽ có quy chế mới về việc phim đặt hàng cũng phải đấu thầu, mà như thế thì rất khó cho VFS và nếu cứ tiếp tục thua lỗ thì sẽ đến lúc Hãng phải tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.
Sử dụng đất không đúng mục đích, có thể đề nghị Nhà nước thu hồi
Trước thông tin nghi ngại về việc sau khi tiến hành cổ phần hóa, Nhà đầu tư có thể không thực hiện cam kết hoặc sử dụng đất không đúng yêu cầu sử dụng đất? Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái một lần nữa khẳng định sẽ không có chuyện đó, vì theo cam kết của của Nhà đầu tư chiến lược, trong vòng 5 năm kể từ ngày chính thức chuyển sang công ty cổ phần Bộ VHTTDL sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện hoạt động của Công ty cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Nếu Nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Bộ sẽ có chế tài xử lý, nếu không làm đúng sẽ chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu sử dụng đất không đúng mục đích, có thể đề nghị Nhà nước thu hồi đất.
Liên quan đến bản quyền của 325 bộ phim do VFS sản xuất trước đây, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, đây là những phim do đặt hàng của nhà nước. Do vậy, theo quy định của Luật Bản quyền, Công ty không có bản quyền những bộ phim này. Bản gốc của những bộ phim này đều đang được lưu giữ ở Viện phim Việt Nam. Nếu đơn vị mới, đang giữ bản sao các bộ phim, có nhu cầu khai thác đều phải xin phép Bộ VHTTDL.
Trước thông tin về việc VFS sở hữu một kho súng (đạo cụ được tặng từ năm 1955 và 1975) có giá trị khá lớn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - Trần Hoàng khẳng định, tất cả kho súng này đều được kiểm kê, đang trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên vì lý do không có đơn giá nên việc xác định này rất khó khăn. Bộ VHTTDL vẫn tiến hành kiểm kê, xác định sẽ xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xác định quyền sử dụng và giá trị để xác định giá trị lần 2, sẽ được cộng vào vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa xong.
Về vấn đề nhân sự, đạo diễn Vương Đức - Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Hãng Phim có 151 nhân sự nhưng “rơi rụng” dần, còn lại 131 người. Khi tiến hành cổ phần hóa có 25 người xin nghỉ chế độ lao động dôi dư, nhân sự hiện nay còn 94 người.
Về vấn đề nhân sự của VFS sau khi đã tiến hành cổ phần hoá, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, việc triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp theo cơ chế cổ phần hóa doanh nghiệp hiện nay chưa xong, đang vướng ở Bộ Tài chính. Nhân sự của công ty vẫn chưa xong vì vẫn đang trong quá trình bàn bạc và đưa lên sàn xem đơn vị mua được bao nhiêu %. Khi xong mới tính đến tính tiếp về cơ cấu nhân sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo