Hỗ trợ doanh nghiệp

Carlsberg chưa chốt mua thêm cổ phần tại Habeco

(DNVN) - Cuộc đàm phán mua thêm cổ phần tại Habeco của hãng bia Carlsberg vẫn đang vướng mắc do các bên vẫn chưa thông nhất, quá trình đàm phán rất rắc rối và phải xử lý khéo.

Với tham vọng thâu tóm 30% thị phần bia tại Việt Nam, Carlsberg đang tích cực đàm phán với Công ty cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết cuộc đàm phán này đang gặp vướng mắc, theo nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Carlsberg hiện đang sở hữu 17,5% cổ phần tại Habeco. Theo thỏa thuận được ký giữa hai bên, Carlsberg có quyền ưu tiên đàm phán trước các cổ đông khác khi Habeco thoái tiếp vốn nhà nước. Trên thực tế, cả bên bán và bên mua đều tích cực đàm phán để đi đến thống nhất về giá mua và các vấn đề liên quan, nhất là sau khi Habeco đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM hôm 28/10.

Carlsberg chưa chốt mua thêm cổ bán cổ phần tại Habeco.

Theo lời ông Tayfun Uner, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam, nếu Carlsberg mua được số cổ phần mà Habeco bán thêm ra thì công ty bia của Đan Mạch sẽ sở hữu 30% thị phần bia tại Việt Nam và tiến dần đến cuộc cạnh tranh sát sao ở thị trường Việt Nam, nơi Công ty cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) giữ 40% thị phần.

Tuy nhiên, về vấn đề này, tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ sáng ngày 14/11, ông Nguyễn Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho hay, việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco rất phức tạp, được nhiều người quan tâm do đó, sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng về thoái vốn hồi tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai ngay.

Theo ông Dũng, riêng tại Habeco, vướng mắc hiện tại là việc đàm phán với Carlsberg vẫn chưa đạt được sự thống nhất. "Chúng tôi đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến tham gia tư vấn về hợp đồng giữa Habeco và Carlsberg. Habeco và Carlsberg đã có buổi làm việc nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất. Habeco đã họp tiếp với Tổ tư vấn và sẽ phải đàm phán tiếp. Quá trình đàm phán rất rắc rối và phải xử lý khéo", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Habeco hiện đã niêm yết trên UPCoM, Sabeco đã hoàn tất thủ tục niêm yết trên HOSE và dự kiến 2 doanh nghiệp này sẽ hoàn thành niêm yết trước ngày 20/12.

"Thủ tướng yêu cầu thoái toàn bộ hơn 81% vốn tại Habeco cũng như hơn 53% vốn tại Sabeco trước ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, việc thoái vốn phải đảm bảo công khai minh bạch, theo quy luật thị trường nhưng quá trình thực hiện rất mất thời gian", ông Dũng cho biết thêm.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Nhà nước không bán bia" nhưng công tác thoái vốn phải đảm bảo không mất vốn nhà nước. Không được chủ quan và phải làm thế nào để vừa bán được giá cao nhất mà không mất thương hiệu".

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương được giao chủ trì bán vốn với các nguyên tắc rất rõ ràng, quá trình thực hiện cũng bám rất sát nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề. Trong đó, riêng về pháp lý có câu chuyện đối tác chiến lược với Carlsberg, các thủ tục liên quan tới cổ phần hoá, nhiều quy định cần giải quyết với nhiều cơ quan, khó có thể giải quyết đến từ nay đến cuối năm.

"Nhiều vấn đề liên quan tới nhiều đối tác, khuôn khổ pháp lý khác nhau nên cần có sự tham gia của các bộ ngành. Không thể nhanh, không thể rút ngắn thời gian được", Bộ trưởng cho biết.

Bộ Công Thương hiện vẫn đại diện Chủ sở hữu Nhà nước nắm 81,79% vốn điều lệ Habeco và Carlsberg nắm 17,08%. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98%, tương đương gần 2.3 triệu cổ phiếu.

Dự kiến, toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 81,79% vốn điều lệ) sẽ được thoái vốn trong năm 2016. Còn lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 sẽ thoái tiếp 36% vốn, khoảng 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco niêm yết trên thị trường chứng khoán.

 

Nên đọc
Hòa Hậu (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo