Hỗ trợ doanh nghiệp

Chi phí dự phòng tăng vọt, lợi nhuận trước thuế SCB quý 2 sụt giảm 38% so với cùng kỳ

Mặc dù các hoạt động kinh doanh có lãi tăng trưởng khá cao nhưng việc phải chi mạnh tay cho chi phí dự phòng rủi ro đã khiến lợi nhuận trước thuế trong quý 2 của SCB chỉ đạt 48 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 125 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 2/2018, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 1.664 tỷ đồng. Đa số các hoạt động kinh doanh ngoài lãi có kết quả khả quan. Hoạt động dịch vụ đem về 283 tỷ đồng lãi trong kỳ, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi gấp 3 lần đạt 57 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 51% đạt 108 tỷ đồng. Chỉ riêng mua bán chứng khoán kinh doanh bị lỗ 6,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCB trong quý 2 năm nay gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.148 tỷ đồng. Tuy nhiên, đi cùng với đó, chi phí trích lập dự phòng của SCB cũng tăng vọt 3,6 lần lên 1.100 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuân trước thuế trong quý 2 chỉ đạt 48 tỷ, giảm 38% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng có lãi 125 tỷ đồng trước thuế, tăng 25 tỷ tương đương với 25% so với cùng kỳ.

Đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của SCB tăng 7,6% so với đầu năm đạt 477.592 tỷ đồng. Với mức này, SCB đang là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5 trong hệ thống, chỉ sau nhóm 4 "ông lớn" Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 295.709 tỷ đồng, tăng 11,9%; huy động tiền gửi tăng nhẹ hơn với 4,8% đạt 362.929 tỷ đồng.

SCB không công bố phần thuyết minh cho báo cáo tài chính, nợ xấu tại ngân hàng này vẫn là một dấu hỏi. Theo chia sẻ mới đây, ngân hàng này cho biết tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ lần lượt là 0,67% và 0,51%; đã tăng lên so với mức 0,46% hồi cuối quý 1.

Tuy nhiên, tỷ lệ trên chưa thể hiện hết được vấn đề nợ xấu tại SCB. Các khoản phải thu tại SCB đã lên tới 34.960 tỷ đồng, tăng 10.408 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Các khoản lãi và phí phải thu cũng tăng hơn 3.100 tỷ lên 44.778 tỷ đồng. Như vậy, tổng các khoản phải thu và lãi dự thu đã lên tới 79.736 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo