Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho doanh nghiệp Nhà nước

Báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh Chính phủ năm 2017 của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2017, tổng giá trị bảo lãnh chính phủ quy đổi là hơn 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh nước ngoài chiếm tới 84,1%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dư nợ gốc ước là hơn 12,5 tỷ USD, giảm so với năm 2016.

Trong năm 2017, các dự án bảo lãnh vay trong và ngoài nước đều trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Có 4 dự án đã kết thúc trả nợ nước ngoài, 4 khoản vay đã thực hiện trả nợ trước hạn với trị giá hơn 100 triệu USD (Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Vietnam Airlines và 2 khoản vay của VALC).

Theo Bộ Tài chính, công tác cấp bảo lãnh Chính phủ trong năm 2017 đã được quản lý chặt chẽ. Chính phủ không cấp bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án vay vốn trong nước và nước ngoài. Một số doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu danh mục nợ được Chính phủ bảo lãnh, thực hiện trả nợ trước hạn... Vì vậy, dư nợ bảo lãnh đến cuối năm 2017 đã giảm xấp xỉ 500 triệu USD so với năm 2016.

Ảnh minh hoạ.

Đối với các lĩnh vực quan trọng, dư nợ bảo lãnh ngành điện hiện chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh Chính phủ (63,82%).

Bộ Tài chính đánh giá các dự án đầu tư nguồn điện được bao tiêu sản phẩm đầu ra, có nguồn thu ổn định và đảm bảo khả năng trả nợ tốt so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc tập trung bảo lãnh cho một số ít doanh nghiệp với giá trị vay lớn tạo nên tỷ trọng dư nợ lớn trong danh mục sẽ làm tăng rủi ro nếu doanh nghiệp có vấn đề về tài chính.

Dự án ngành điện gặp khó khăn dài hạn trong vận hành và trả nợ được nhắc đến là Xekaman 3 của Công ty cổ phần Điện Việt Lào do bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang trong quá trình khắc phục. Hiện công ty gặp khó khăn trong thu xếp vốn cho việc khắc phục cũng như trả dần các khoản nợ quá hạn với các bên cho vay.

“Quá trình tái cơ cấu các khoản vay của công ty sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu như việc khắc phục sự cố không đảm bảo tiến độ và kết quả dự kiến”, báo cáo cho hay.

Một trường hợp khác là nhà máy bột giấy Phương Nam hiện Bộ Công Thương đang chủ trì giải quyết việc xử lý tài sản của dự án này nên vẫn chưa có nguồn để trả một phần nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh.

 

“Trong khi đó, Bộ Tài chính đã làm việc với ngân hàng nước ngoài cho vay của dự án là Societe Generale nhưng ngân hàng cho vay và Cơ quan bảo hiểm tín dụng Áo từ chối hỗ trợ dự án này. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án này”, báo cáo cho biết.

Trong số 8 dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn về tài chính, một số dự án có dấu hiệu khởi sắc hơn. Trong đó, 3 dự án nhóm A đã phục hồi sản xuất kinh doanh và đang trả nợ bình thường là Giấy Việt Trì, xi măng Sông Thao, xi măng Thái Nguyên.

2 dự án thuộc nhóm B đang thực hiện tái cơ cấu tài chính và vẫn đang phải vay Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài là xi măng Hạ Long, xi măng Đồng Bành.

Cụ thể, dự án xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư (nay đã chuyển sang Tổng công ty Xi măng Việt Nam quản lý). Dự án có khó khăn tài chính nên không trả được nợ các kỳ từ năm 2012-2015 và đã phải vay tạm ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài. Tổng số tiền phải vay Quỹ tích lũy trả nợ để trả là hơn 52 triệu Euro, đồng thời dự án này cũng đã có nợ quá hạn với Quỹ tích lũy trả nợ với số tiền hơn 23 triệu Euro.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo