Hỗ trợ doanh nghiệp

​Chính phủ lên tiếng về đề xuất cấm Uber, GrabTaxi

(DNVN) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015 diễn ra ngày 27/11, người phát ngôn Chính phủ - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời báo chí liên quan đến đề xuất cấm cấm Uber, GrabTaxi của Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Tại buổi họp báo, PV báo chí nêu vấn đề, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối hoạt động vận tải tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) trong 2 năm tới. Tuy nhiên, các hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn liên tục có công văn gửi các cơ quan quản lý đề xuất cấm Uber, GrabTaxi kinh doanh vì lý do kinh doanh taxi trá hình.

"Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trước những đề xuất này?", PV báo chí nêu câu hỏi.

Uber và Grabtaxi lại bị đề nghị tạm dừng hoạt động.

Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Chính phủ cho biết, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đầu tư, kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh vận tải nói riêng, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT cho thí điểm trong 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách trên 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà); đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố nêu trên hướng dẫn việc triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm..

Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận cá nhân, đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải nhưng sử dụng các phần mềm ứng dụng để hoạt động kinh doanh. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại 5 địa phương nêu trên.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng của Hà Nội tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi của Uber và Grab nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng với taxi truyền thống.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu ra lý do để đưa ra kiến nghị nêu trên là: hiện nay Uber và Grab taxi sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.

“Tại các tuyến phố cấm taxi nhưng Uber và Grab vẫn hoạt động tự do gây nên ùn tắc, không phù hợp với hạ tầng và phá vỡ quy hoạch giao thông của thành phố. Hiện tại có khoảng hơn 3.000 xe tham gia vào mạng lưới hoạt động Uber và Grabtaxi ở Hà Nội”, công văn của Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu rõ.

 

Về giá cước vận tải, hiện nay doanh nghiệp tự xây dựng giá dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên Hiệp hội này cho rằng taxi Uber và Grab tự đặt ra giá vận chuyển và không có sự quản lý của Nhà nước, thậm chí có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật Giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đề cập đến vấn đề chất lượng dịch vụ, trong đó phương tiện và người lái của taxi Uber và Grab chưa có chế tài để kiểm soát về tập huấn nghiệp vụ của lái xe và niên hạn sử dụng phương tiện.

Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ba bất cập nêu trên là do chính những doanh nghiệp taxi đã từng hợp tác với Uber và Grabtaxi phát hiện và nêu ra trong một hội nghị tổ chức hôm 19/9/2015.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội này đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về hoạt động của taxi Uber, Grab; đồng thời tạm dừng hoạt động phương tiện không phù hiệu, không tem mào của taxi Uber và Grab tại Việt Nam trong thời gian chờ ban hành văn bản pháp luật quy định, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo