Chuẩn bị IPO 24 doanh nghiệp đường sắt
Theo baochinhphu.vn, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 24 đơn vị ngành đường sắt và dự kiến trước 31/12, các đơn vị này sẽ hoàn tất việc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.
Theo kế hoạch của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), việc cổ phần hóa 24 công ty TNHH MTV gồm 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, Công ty Xe lửa Gia Lâm và Công ty Xe lửa Dĩ An sẽ diễn ra trong năm 2015. Các doanh nghiệp này đều chọn hình thức CPH là vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Về cơ cấu vốn điều lệ, đối với 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, vốn Nhà nước nắm giữ 51%, vốn người lao động được mua ưu đãi chiếm từ 35-44%, vốn của các nhà đầu tư khác chiếm từ 5% đến 14%.
Với Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, tỉ lệ này là: Vốn Nhà nước 60%, vốn người lao động chỉ chiếm từ 11% đến 12% và vốn của nhà đầu tư khác chiếm hơn 28%. Đối với Công ty Xe lửa Dĩ An và Công ty Xe lửa Gia Lâm, vốn Nhà nước nắm giữ với tỉ lệ cao là 75%, vốn người lao động chiếm từ 9% đến 19% và vốn các nhà đầu tư khác chiếm từ 6% đến 16%.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 25.493 người, nhưng tổng số lao động cần khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình cổ phần chỉ còn 23.456, như vậy dôi dư ra 2.037 lao động.
Theo tin từ báo Giao Thông, theo kế hoạch thì chỉ còn 2 tháng nữa để VNR thực hiện các công việc tiếp theo: chào bán cổ phần, đại hội cổ đông; giải quyết chế độ cho lao động dôi dư… đảm bảo đúng tiến độ, để các công ty đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) từ ngày 1/1/2016. Đó là chưa kể, liệu việc bán cổ phần ra bên ngoài có thành công khi mà đến nay cả 24 doanh nghiệp chưa có nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm, nhất là đối với các công ty vận tải tỷ lệ vốn phải bán ra bên ngoài lớn.
Ông Trần Ngọc Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện các bước tiếp theo. Sẽ không tránh khỏi vướng mắc phát sinh, đó là điều chắc chắn khi tiến hành đổi mới; nhưng vướng mắc đến đâu, tháo gỡ đến đấy chứ không thể không làm”.
Còn theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, khó khăn nhất đối với công ty sau khi CPH là lượng lao động dôi dư khá lớn, khoảng gần 700 người. Việc giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động sớm sẽ nhanh chóng ổn định được lực lượng lao động còn lại.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Đăng Khoa cho rằng, nếu không tiến hành nhanh, để kéo dài sang năm 2016, khi Luật BHXH mới có hiệu lực với nhiều quy định mới chặt chẽ hơn sẽ thiệt thòi cho người lao động, đồng thời có thể gây biến động lượng lao động dôi dư, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo