'Hiến kế' nâng cao năng suất lao động Quốc gia
Hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ thiết bị chuyển đổi số nông nghiệp / Bảo hiểm xã hội chuyển đổi số mang tới nhiều tiện ích cho người dân
Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ)Việt Nam tổ chức sáng 26/5 đã thu hút sự tham gia"hiến kế" của nhiều cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động Quốc gia.
Xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng
Theo TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, TLĐLĐVN, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.
“Người lao động dù muốn gắn bó, nhưng không thể ở lại mãi với công ty khi nhận mức lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao từ 8 - 12%/tháng ở các ngành đông lao động. Trong quan hệ kinh tế, "nhảy việc"để tìm kiếm việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là bình thường, nhưng "nhảy việc"chỉ để kiếm mức lương cao hơn cho công việc tương tự là sự lãng phí không đáng có”, bà Phạm Thu Lan nhấn mạnh.
Đơn cử, một doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nhưng 1 tháng có 100 công nhân liên tục ra vào, doanh nghiệp sẽ phải tốnnhiều thời gian, công sức, tiền bạc,nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng và đào tạo nhân viên… Trong khi, những chi phí này có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.
Trước vấn đề này, bà Phạm Thu Lan kiến nghị: Nhà nước cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Tổ chức Công đoàn mong Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương là động lực tăng năng suất; tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện, tỷ lệ tham gia BHXH của người lao động liên tục tăng, đến nay đạt hơn 38% lực lượng lao động; mong mục tiêu độ bao phủ BHXH đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch đề ra.
Vấn đề chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện luôn được nhiều công nhân mong mỏi. Theo đại diện Viện Công nhân - Công đoàn, người lao động mong Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện ích cơ bản khác để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.
Từ thực tế hoạt động tại doanh nghiệp, chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội (Tổng Công ty May 10) đồng tình: Doanh nghiệp có trường mầm non, trung tâm y tế, có trường cao đẳng nghề như May 10 sẽ giúp cho người lao động có đủ điều kiện để phát triển bản thân, yên tâm công tác, góp phần tăng năng suất lao động.
“Chúng tôi mong Chính phủ có các chính sách để nhân rộng các mô hình này cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ”, chị Phùng Thị Hạnh kiến nghị.
Xây dựng phong trào sáng kiến hiệu quả
Điểm chú ý tại Diễn đàn sáng 26/5 là đại diện Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trình bày giải phápduy trì năng suất lao động cao tại Viettel, Tập đoàn mong muốnđược áp dụng Nghị định riêng của Chính phủ ban hành về tiền lương. Đây là tiền đề quan trọng giúp Viettel có được những thành tựu như hiện nay.
Theo bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Viettel, năm 2023, năng suất lao động theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm. Trong đó, tại một số đơn vị viễn thông, công nghệ số, con số này là hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực (Orange - Pháp, Telefornica - Tây Ban Nha). Giải pháp thúc đẩy năng suất lao động của Viettel dựa trên 3 trụ cột chính là: Nhân lực, công cụ và cơ chế chính sách.
“Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp ngoài dựa trên năng lực, thành tích, cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa”, bà Vũ Thị Mai cho biết.
Nhờ đó, Viettel luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến. Kết quả, Viettel hiện sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, nghiên cứu công nghệ cao;làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G hay đội ngũ 300 chuyên gia ANMcó tuổi đờitrẻnhưng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.
Thứ hai là chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn. Tại Viettel, các hệ thống, công cụ được xây dựng xuyên suốt, đồng bộ để từ cán bộ lãnh đạo đến từng người lao động đều có thể sử dụng.
“Về các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động dựa trên một số yếu tố chính gồm môi trường làm việc. Tập đoàn có nhiều 'kênh'để người lao động có thể trực tiếp nêu các khó khăn, vướng mắc hay góp ý về các cơ chế chính sách như: Chương trình đối thoại với Tổng giám đốc; Diễn đàn trực tuyến ‘Vì Viettel tốt lên’, qua tổ chức Công đoàn hay khảo sát mức độ gắn kết của cán bộ nhân viên hàng năm", đại diện Viettel chia sẻ.
Không chỉ vậy, Viettel có những cán bộ quản lý luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi làm việc tại các thị trường nước ngoài gian khổ nhất. Đây còn là cách để phát hiện người giỏi và đòi hỏi cán bộ nhân viên không ngừng sáng tạo, tìm giải pháp đột phá, tăng năng suất lao động.
Tập đoàn Viettel cũng đã xây dựng phong trào sáng kiến ý tưởng mạnh mẽ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Viettel có hơn 2 sáng kiến/ý tưởng mới được công nhận. Ví dụ vừa qua, nhân viên Tổng Công ty CP Công trình Viettel làNguyễn Tuấn Hồngđã vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023 của TLĐLĐVN với 9 sáng kiến, làm lợi hơn 30 tỷ đồng; có cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực và thành tích đóng góp; chú trọng đến hoạt động đào tạo và phát triển nhất là thông qua luân chuyển công việc; tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để cán bộ nhân viên có cơ hội thăng tiến
Thực tế sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh: Rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa và tuân thủ quy trình đối với người lao động trong quá trình sản xuất.
Nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng: Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải tâm huyết, yêu nghề, có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Tại Diễn đàn, đoàn viên Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, Mai Thiên Ân kiến nghị: “Nhà nước, trường học cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành ‘thói quen, nếp nghĩ, nếp làm’ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp; quy chế tài chính cho phép Công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư/chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động”.
Tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân, là dịp tuyên truyền sâu rộng vai trò, sứ mệnh và tiếp tục phát huy, khẳng định vị trí tiên phong, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng là sự cụ thể hóa nội dung thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo