Chuyển đổi số

4 "mỏ vàng" tiềm năng để doanh nghiệp Việt - Nhật hợp tác trong chuyển đổi số

DNVN - IoT (internet kết nối vạn vật), digital, bảo mật thông tin hay sức khỏe số là những lĩnh vực rất tiềm năng mà Việt Nam - Nhật Bản có thể hợp tác cùng nhau.

Viettel Cần Thơ tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp chuyển đổi số cùng doanh nghiệp / Chất lượng Internet Việt Nam đã được cải thiện

Nhiều tiềm năng hợp tác
Tại hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra ngày 7/3, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ TT&TT) cho biết, hoạt động CĐS của Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ cấp cao nhất đến tất cả các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đã ban hành rất nhiều chương trình về CĐS quốc gia với các mục tiêu rất tham vọng. Đến năm 2025 Việt Nam lọt top 50 xếp hạng trên 193 quốc gia về Chính phủ số. Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% vào tổng GDP quốc gia và đến 2030 con số này là 30%. Hiện kinh tế số đóng góp 14,26% vào GDP, tương đương 23 tỷ USD.
Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực về CNTT rất trẻ, tài năng. Việt Nam có 1,1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực CNTT, với khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ, trong đó có rất nhiều tập đoàn công nghệ số đã hoạt động ở Nhật Bản như Tập đoàn FPT, Rikkeisoft, CMC...
Khoảng 80 triệu dân tham gia vào nền tảng giao tiếp OTT như zalo, messenger. Khoảng 4 triệu người thường xuyên đặt dịch vụ gọi xe, những dịch vụ mới, dịch vụ đột phá trong công nghệ số.

Các diễn giả nhận định, Việt Nam - Nhật Bản có nhiều tiềm năng hợp tác trong hoạt động chuyển đổi số.
"Một môi trường thuận lợi như vậy kết hợp với kinh nghiệm sản xuất rất tiên tiến của Nhật Bản nên tôi tin tưởng rằng sự hợp tác giữa hai nước và doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực CĐS sẽ phát triển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả cao", ông Nguyễn Khắc Lịch bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết, liên quan đến IoT (internet kết nối vạn vật), digital, bảo mật thông tin hay sức khỏe số, đây là những lĩnh vực hai nước có thể hợp tác với nhau tốt nhất.
Tiềm năng hợp tác giữa các DN Việt Nam và DN Nhật Bản rất tốt trong lĩnh vực công nghệ IoT và big data. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu về dân cư, là cơ sở dữ liệu về định danh số cho tất cả người dân trên môi trường số, tạo động lực rất tốt cho hạ tầng số cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Về xây dựng hạ tầng số 2023, Việt Nam xác định đầu tư tập trung vào hạ tầng số. Trong đó hạ tầng số cơ bản là hạ tầng về dữ liệu và trung tâm dữ liệu.
"Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản rất mạnh về phát triển các trung tâm dữ liệu lớn. Nhật Bản có thể kết hợp rất tốt với thị trường Việt Nam về phân tích dữ liệu lớn trong các nhà máy và sản xuất bằng việc sử dụng các nhà khoa học dữ liệu cũng như có các công nghệ nền tảng. Việc hợp tác này sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động của nhà máy, giảm khí thải ra môi trường...", ông Ngô Diên Hy nói.

Tận dụng thế mạnh về công nghệ
Theo ông Ngô Diên Hy, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bị tấn công mạng, việc phòng ngừa những cuộc tấn công an ninh mạng là điều quan trọng. Khi xây dựng các hệ thống trung tâm hạ tầng dữ liệu, vấn đề an toàn thông tin phải được đặt lên hàng đầu.
"Thời gian tới Việt Nam xây khá nhiều trung tâm dữ liệu và Chính phủ có kế hoạch xây dựng trung tâm siêu dữ liệu quốc gia. Với mối quan hệ đối tác tốt đẹp trong 50 năm qua giữa hai nước, chúng tôi thấy rằng khi hợp tác với Nhật Bản để triển khai vấn đề an toàn thông tin, ngoài thế mạnh về công nghệ, chúng tôi có sự tin cậy cao đối với Nhật Bản. Trong xây dựng nền tảng dữ liệu, vai trò đóng góp của DN Nhật Bản khi hợp tác với DN Việt Nam là rất quan trọng sẽ tạo nên sự thành công", Tổng Giám đốc VNPT-IT nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, trong lĩnh vực an ninh mạng, niềm tin giữa hai quốc gia, giữa doanh nghiệp và người dân hai nước là yếu tố quan trọng để thắt chặt hợp tác. Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, an ninh mạng là 1 trong 4 trụ cột theo chiều ngang (thể chế số, nhân lực số, hạ tầng số và an toàn an ninh mạng). Việt Nam đặc biệt coi trọng vấn đề an toàn an ninh mạng và mục tiêu của Việt Nam là trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Khi tất cả các ngành, lĩnh vực đều tiến hành CĐS thì an toàn an ninh mạng là ưu tiên số 1 của trong hoạt động quản lý của Chính phủ Việt Nam. Hi vọng thời gian tới, Việt Nam - Nhật Bản sẽ tận dụng tốt các tiềm năng để hợp tác trong hoạt động CĐS và an ninh an toàn mạng hiệu quả.
Ông Fusakoji - Tổng giám đốc công ty GVE cho rằng, thời đại sắp tới là thời đại của AI, kỹ thuật mã hóa cùng nhiều công nghệ mới.
Trong thời đại IoT, phần lớn máy móc được kết nối với nhau bằng internet. Nhưng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thì con người lại là yếu tố quyết định.
Thực tế cho thấy, Việt Nam hướng đến chuyển đổi số và tăng trưởng xanh một cách mạnh mẽ.
"Cùng với thế mạnh của mỗi bên, trong khi nhiều doanh nghiệp Nhật muốn sang Việt Nam đầu tư, hai nước có mối quan hệ tin cậy tốt đẹp, tôi tin tưởng Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác tốt với nhau trong nhiều mảng khác nhau, qua đó củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác trong 50 năm qua", Tổng giám đốc công ty GVE nói.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm