Chuyển đổi số

AIPA-42: Thúc đẩy kỹ thuật số bao trùm hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

DNVN - Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-42, tại phiên họp chiều ngày 24/8/2021, Ủy ban Kinh tế thảo luận về dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy kỹ thuật số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN” (MSMEs).

Công nghệ hỗ trợ ngành du lịch lách qua “khe cửa hẹp” trong đại dịch / Ứng dụng công nghệ là "vaccine" cho doanh nghiệp địa ốc vượt đại dịch

Tại phiên họp, các đại biểu kêu gọi Nghị viện các nước thành viên AIPA ủng hộ nỗ lực của các Chính phủ trong thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, thúc đẩy hội nhập.

Trong khuôn khổ AIPA-42, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy kỹ thuật số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN”, do Brunei Darussalam và Malaysia chung đề xuất. Nội dung này cũng là sự tiếp nối Nghị quyết được thông qua tại Ủy ban Kinh tế trong khuôn khổ AIPA-41 do Việt Nam là nước chủ nhà về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19”.

Hội nhập kinh tế là một trong những chương trình nghị sự chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây cũng là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong AIPA. Vai trò của hội nhập kinh tế khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong hành trình đối đầu với toàn cầu hóa và đại dịch COVID-19. Tác động của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với sự phát triển kinh tế và hội nhập trong khu vực ASEAN cùng với sự gián đoạn trực tiếp của thị trường tài chính, thị trường và chuỗi cung ứng, cũng như các lĩnh vực dễ bị tổn thương đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).

Một trong những biện pháp để tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN là tập trung vào việc thúc đẩy kỹ thuật số bao trùm trong ASEAN, giúp ASEAN phục hồi trước những thách thức kinh tế toàn cầu. Các cuộc họp của ASEAN về phản ứng COVID-19 đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm trong ASEAN như một con đường thoát khỏi khủng hoảng.

Có 6 lĩnh vực ưu tiên chính được xác định trong Kế hoạch hành động Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN (DIFAP) 2019-2025 để hiện thực hóa số hóa ASEAN, trong đó có: Tạo thuận lợi cho thương mại thông suốt, bảo vệ dữ liệu trong thúc đẩy và đổi mới thương mại điện tử, cho phép thanh toán điện tử liền mạch, mở rộng năng lực kỹ thuật số, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phối hợp hành động phải được thực hiện để hỗ trợ thúc đẩy hội nhập kỹ thuật số trong ASEAN.

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế ASEAN

Là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh hiện nay, trong Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) đã nêu bật việc tăng tốc khôi phục doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thông qua nâng cao kỹ năng số và tăng cường phát triển tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số.

Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã tuyên bố rằng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là xương sống của các nền kinh tế ASEAN. Kế hoạch chi tiết cũng lưu ý rằng ASEAN đã nhấn mạnh đến sự phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong nỗ lực hội nhập kinh tế của mình. Đồng thời tuyên bố rằng ASEAN sẽ nắm lấy công nghệ kỹ thuật số đang phát triển làm đòn bẩy để tăng cường thương mại và đầu tư.

Trình bày dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN”, đại diện Đoàn đại biểu Hội đồng Lập pháp Brunei kêu gọi các nghị viện thành viên đồng thuận thông qua Nghị quyết để khẳng định cam kết quyết tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế thông qua tăng cường hơn nữa kỹ thuật số.

Khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ kỹ thuật số trong việc tăng cường kết nối kinh tế ASEAN và sự sẵn sàng ứng phó của ASEAN trước những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, tại Ủy ban Kinh tế AIPA-42, các Đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên AIPA đánh giá cao nội dung dự thảo nghị quyết nhằm tiếp tục hỗ trợ các ưu tiên của ASEAN về kết nối, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Bao gồm thông qua hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), Sáng kiến cho Kế hoạch Công tác Hội nhập ASEAN IV, chuyển đổi kỹ thuật số, ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập ngành chặt chẽ hơn và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Lưu ý đến tác động của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển kinh tế và hội nhập trong khu vực ASEAN cùng với sự gián đoạn của thị trường tài chính, thị trường và chuỗi cung ứng cũng như các lĩnh vực dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm trong ASEAN, đây là một trong những chiến lược quan trọng được thông qua trong Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) và Kế hoạch hành động của nó là chiến lược để thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Dự thảo nghị quyết khuyến nghị các Nghị viện thành viên AIPA sử dụng chính sách hiện có và hỗ trợ các đề xuất mới về nền kinh tế số. Kỳ vọng rằng việc thông qua dự thảo nghị quyết này sẽ tái khẳng định quyết tâm và cam kết của các Nghị viện thành viên AIPA trong việc trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách thúc đẩy quá trình số hóa bao trùm của ASEAN.

Thảo luận các giải pháp, các đại biểu quan tâm đến việc ưu tiên kết nối, đặc biệt là kết nối tiểu vùng, vùng sâu và vùng xa, hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, đẩy nhanh quá trình hội nhập số, củng cố hạ tầng kỹ thuật số bảo đảm chi phí hợp lý và dễ tiếp cận, cần thực thi những nội dung đã đạt được đồng thuận trong khu vực về quản trị dữ liệu. Khẳng định và khuyến khích vai trò của các Nghị viện thành viên AIPA thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số qua đó mang lại cơ hội kinh doanh tốt hơn, đồng thời ủng hộ các nỗ lực của các Chính phủ trong các giải pháp hỗ trợ và hợp tác khu vực, kết nối thương mại.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp Ủy ban Kinh tế AIPA-42 chiều ngày 24/8/2021.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp Ủy ban Kinh tế AIPA-42 chiều ngày 24/8/2021.

Thúc đẩy ASEAN số

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, việc nắm bắt được xu thế và lợi thế của quá trình chuyển đổi số, tận dụng những cơ hội đến từ công nghệ kỹ thuật số chính là một trong những chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa ASEAN tiếp tục phục hồi và phát triển sau khủng hoảng do COVID-19 gây nên. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần tăng tốc quá trình chuyển đổi số để nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh, bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh tác động của COVID-19. Tuy nhiên, chuyển đổi số còn gặp nhiều thách thức do hạn chế về năng lực và mạng lưới kết nối. Do đó, ASEAN đang tích cực triển khai nhiều nội dung có liên quan đến 3 quá trình chuyển đổi số có tính bao trùm cho các doanh nghiệp trong khu vực như: Hiệp định về Thương mại Điện tử ASEAN, Khung Bảo vệ - liệu Cá nhân ASEAN, Khung Quản trị Dữ liệu số ASEAN, Kế hoạch Tổng thể về số hoá ASEAN 2025 (ADM2025).

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Nghị viện Brunei trong việc nghị viện các nước ASEAN ban hành nghị quyết chung trong khuôn khổ AIPA-42 về lĩnh vực này. Điều này thể hiện sự ủng hộ, đồng hành của Nghị viện các nước ASEAN với những nỗ lực chung của Chính phủ các nước trong việc thúc đẩy ASEAN số (Digital ASEAN) có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN. Trong đó, tính chất “bao trùm” gắn với mục tiêu “không bỏ lại ai phía sau” trong chuyển đổi số nguyên tắc “kỹ thuật số vì sự phát triển” cần được nhấn mạnh.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm