An Giang ưu tiên các nguồn lực cho chuyển đổi số
TP Hồ Chí Minh: Phát triển hệ sinh thái hoàn thiện cho thương mại điện tử / Chuyển đổi số để tuyên truyền hiệu quả về các hoạt động chính trị và phát triển kinh tế - xã hội
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Đề án 06/CP tỉnh An Giang, năm 2023, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh bám sát nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo xác định là "Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới"; từ đó chủ động xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu và mở dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 179/188 cơ quan cung cấp dữ liệu mở, đạt 94,2%.
Năm 2023, tỉnh An Giang đã kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong tỉnh và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đảm bảo tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam hiện hành. Tính đến tháng 1/2024, trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11/15 hệ thống, phần mềm của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã cung cấp 2.003 dịch vụ hành chính công; trong đó, có 615 dịch vụ công trực tuyến một phần; 974 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 97%. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh An Giang đã tiếp nhận 441 phản ánh người dân; qua đó, đã giải quyết 433 phản ánh, đạt 98,2%...
Việc xây dựng chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức. Để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số, tỉnh An Giang đã thành lập 1.035 tổ công nghệ số cộng đồng, với 7.991 người tham gia, qua đó, góp phần thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến tận các xã, phường, thị trấn và khóm, ấp…
Bên cạnh đó, sau hai năm triển khai, thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, qua đó, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, An Giang đã triển khai hỗ trợ người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ; cơ bản hoàn thành 100% thu thập, cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư; kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 42,26%, hoàn thành chỉ tiêu 30% tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử.
Tại Hội nghị, các đại biểu nêu bật kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy khẳng định, chuyển đổi số và Đề án 06/CP là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. An Giang xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị, lãnh đạo sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công trong triển khai Đề án 06/CP và chuyển đổi số. Quá trình thực hiện cần có mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đối với từng lĩnh vực, chuyển dần từ làm thay, sang hướng dẫn công dân tự đăng ký thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thuý cho biết, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã thống nhất lựa chọn chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là năm“Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Theo đó, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2024 cần tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình 553/Ctr-UBND, Nghị quyết 01-NQ/TU, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành trung ương; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phấn đấu 90% cơ quan nhà nước hoàn thiện chính quyền điện tử; thực hiện đạt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến; kinh tế số từ 8-9% GRDP.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đảm bảo tắt sóng 2G và triển khai 5G theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông; triển khai đầy đủ nhiệm vụ, phương án về an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin; bảo đảm 100% hệ thống thông tin phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Tỉnh ưu tiên các nguồn lực cho chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án về chuyển đổi số, nhất là dự án về cải cách hành chính, Đề án 06 và Khu công nghệ thông tin tập trung.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả và các tiện ích của chuyển đổi số và Đề án 06/CP nhằm tạo sự lan tỏa, hướng ứng sâu rộng trong nhân dân; phát huy vai trò của của các Hội, Đoàn thể trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để tham gia các dịch vụ công trực tuyến…
End of content
Không có tin nào tiếp theo