Chuyển đổi số

Sử dụng AI trong báo chí đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về nhân văn và đạo đức

DNVN - Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo", ngày 13/3, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định, trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đòi hỏi sự cẩn trọng, hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức.

Đổi mới sáng tạo với công nghệ AI tạo sinh / Năm 2024, AI tạo sinh sẽ thay đổi cuộc chơi kinh doanh tại Việt Nam

Báo chí hiện nay đang chứng kiến sự biến đổi to lớn do ảnh hưởng của công nghệ và môi trường truyền thông mới. Các tòa soạn đang đối mặt với nhiều thách thức khi độc giả dần chuyển sang việc đọc tin trực tuyến và trên các thiết bị di động.

Để thích nghi và tiếp tục phát triển, các cơ quan báo chí cần tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường và báo chí tự động. Đồng thời, tìm cách kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.

Hội thảo chuyên đề "Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo" do Hội Nhà báo Việt Nam, Công ty Global PR Hub cùng hãng tin Reuters và MGID phối hợp tổ chức, nhằm thảo luận về những cơ hội, thách thức và sự chuyển dịch cần thiết của ngành truyền thông Việt Nam. Sao cho báo chí Việt Nam có thể phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng, hội thảo sẽ góp phần giúp người làm báo áp dụng công nghệ một cách đáng tin cậy và có lợi trong hoạt động báo chí.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định, sự kiện là cơ hội tốt để bàn luận về các xu hướng mới và chia sẻ kiến thức trong ngành báo chí và truyền thông tại Việt Nam.

Ông Minh cho rằng, chủ đề AI không phải là mới, tại một số hội thảo về báo chí từ năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề cập đến vấn đề này. Khi đó, rất nhiều người coi đó là điều xa vời đối với Việt Nam.

AI hiện được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống, trong đó có hoạt động của báo chí. Tuy nhiên, AI đã bước sang một giai đoạn mới, không chỉ nắm bắt và theo dõi người dùng mà đã nâng cấp lên rất nhiều.

“Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức.

Tôi hy vọng qua hội thảo lần này, chúng ta sẽ tìm ra những cách tiếp cận đúng đắn, bảo đảm rằng công nghệ được áp dụng một cách đáng tin cậy và có lợi cho cả người sử dụng và xã hội,” ông Minh nói.

Bà Lê Mai Anh - Giám đốc Điều hành Global PR Hub bày tỏ hy vọng, đây sẽ là cơ hội quý báu để các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong ngành báo chí và truyền thông tại Việt Nam cùng nhau ngồi lại để tìm ra những cơ hội và giải pháp mới trong thời đại của AI và công nghệ, kết nối tới khán giả một cách hiệu quả hơn.

Nêu thực trạng ứng dụng AI trong hoạt động báo chí tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng, đây là các hoạt động tự động hóa các khâu sản xuất tin tức (viết tin, tóm tắt tin, đặt tít, chọn từ khóa...), dùng AI để hiểu độc giả (độc giả là ai? ở đâu? muốn gì?), dùng AI để sản xuất podcast, video và các sản phẩm đa phương tiện khác.

Tương lai của báo chí và AI đang là chủ đề được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.

Theo đó, Báo Thanh Niên sử dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả. VnExpress sản xuất podcast, tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả, kiểm tra từ khóa trong bài viết. Báo Điện tử VietnamPlus dùng AI để tạo ảnh minh họa, trực quan hóa dữ liệu, sản xuất podcast trên nền tảng loa thông minh…

Tuy nhiên, ông Nhật cũng đưa ra những thách thức của báo chí trong việc tối ưu hóa AI. Nếu chúng ta không biết cách sử dụng, AI có thể gây ra rất nhiều rủi ro mà người thường không thể phát hiện được. Nội dung AI tạo ra có thể đọc lên rất thuyết phục nhưng nếu độc giả phát hiện là thông tin sai thì sẽ làm giảm niềm tin rất lớn đối với độc giả.

Có ý kiến cho rằng, nên chăng công khai tác giả bài viết là AI hay là nhà báo. Điều này sẽ làm tăng sự minh bạch, nhưng cũng làm giảm lòng tin của độc giả đối với nhà báo.

Hiện nay, các khung khổ pháp lý liên quan đến hoạt động tối ưu hóa AI trong hoạt động báo chí tại Việt Nam chưa hoàn thiện để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đa phần các cơ quan báo chí chưa chủ động về mặt công nghệ, trong khi đó, chi phí dành cho nghiên cứu phát triển quá lớn. Đây cũng là thách thức mà báo chí phải vượt qua.

Cũng tại sự kiện, Báo cáo Toàn cảnh Báo chí Truyền thông Việt Nam 2023-2024 với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh đã chính thức được giới thiệu. Ấn phẩm được Global PR Hub thực hiện phối hợp cùng MGID, với sự cố vấn chuyên môn từ Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam. Đây là nguồn thông tin chuyên môn hữu ích cho người làm truyền thông.

Báo cáo cung cấp những phân tích chuyên sâu về toàn cảnh báo chí truyền thông tại Việt Nam với các nội dung về truyền thông truyền thống, truyền thông xã hội, tiếp thị của người ảnh hưởng. Báo cáo cũng đưa ra những dự đoán, đề xuất cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong tương lai.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm