Chuyển đổi số

Bán hàng đa kênh trên nền tảng số: Giải pháp nào khơi nguồn tăng trưởng?

DNVN - Theo chuyên gia Phương Thị Minh Thu – Giám đốc điều hành Văn phòng Hà Nội, PMAX (đơn vị tiên phong trong lĩnh vực Total Performance Marketing tại Việt Nam), để khơi nguồn tăng trưởng cho việc bán hàng đa kênh trên nền tảng số, cần quản lý chiến dịch bán hàng theo mùa trong năm. Không ngừng mang lại trải nghiệm mua sắm mới.

Khuyến khích bán hàng trực tuyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp / Siêu cửa hàng Facebook Shop: Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ bán hàng trực tuyến

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO với chủ đề “Chiến lược phát triển doanh nghiệp trong một thế giới đại chuyển đổi”, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều ngày 25/1, chuyên gia Phương Thị Minh Thu – Giám đốc điều hành Văn phòng Hà Nội, PMAX nhấn mạnh, bán hàng đa kênh trên nền tảng số đang đứng trước nhiều thời cơ mới.

Xét trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, bà Thu cho rằng, trong quý III/2023, kinh tế vĩ mô Việt Nam khởi sắc nhẹ nhưng sức bán sụt giảm. Dự báo cho thấy, các nền kinh tế lớn và kinh tế toàn cầu năm 2024 giảm so với năm 2023.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 6,1%, cao hơn năm 2023, với hai động lực tăng trưởng chính là vốn đầu tư FDI và đầu tư công. Các xu hướng công nghệ bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, công nghệ về quyền riêng tư, bảo mật thông tin được nâng cao. Điều này đã và đang tác động tích cực tới hoạt động bán hàng trên nền tảng số.

Chuyên gia Phương Thị Minh Thu – Giám đốc điều hành Văn phòng Hà Nội, PMAX.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao doanh nghiệp ưu tiên bán hành đa kênh, theo bà Thu, mức độ lạc quan của người tiêu dùng đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Khi bức tranh kinh tế đang hướng tới một triển vọng tích cực hơn, mức độ lạc quan về tình hình kinh tế của người tiêu dùng bắt đầu tăng lên, mặc dù vẫn chưa trở lại mức của năm 2022 và trước COVID-19.

Cùng với đó, hành vi mua hàng phức tạp và đa dạng hơn. Theo một báo cáo khảo sát hành vi tìm hiểu - mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam vào tháng 11/2023 cho thấy, 49% người tiêu dùng Việt Nam tìm hiểu về sản phẩm qua các kênh trực tuyến và mua hàng tại cửa hàng bán lẻ. 47% người tiêu dùng sẽ tìm và mua sản phẩm trực tuyến. 28% người tiêu dùng sẽ đến cửa hàng để kiểm giá và mua hàng thông qua website.

“Các kênh số là lựa chọn trong hành vi sử dụng. Mạng xã hội và thương mại điện tử tiếp tục là kênh quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu và kích hoạt bán hàng”, bà Thu cho biết.

Hiện sự thâm nhập mạng xã hội của Việt Nam cao hơn các nước cùng khu vực. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng nội dung và phương tiện trên mạng xã hội (facebook, youtube và TikTok) cao nhất Đông Nam Á. Điều này kéo theo sức ảnh hưởng mua hàng của những người nổi tiếng.

Có tới hơn 89% người dùng đã mua sản phẩm do nhóm những người có sức ảnh hưởng này giới thiệu. Các sản phẩm về tiêu dùng, làm đẹp là các ngành chính được mua bán trực tuyến.

Thay vì phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn về địa điểm và cách thức mua sắm hơn, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Các kênh xã hội tiếp tục phát triển và là một trong những hành vi sử dụng thường ngày của người tiêu dùng.

Theo chuyên gia Phương Thị Minh Thu, bán hàng đa kênh trên nền tảng số đang đứng trước nhiều thời cơ mới.

Để khơi nguồn tăng trưởng cho việc bán hàng đa kênh trên nền tảng số, Giám đốc điều hành Văn phòng Hà Nội, PMAX khuyến nghị cần quản lý chiến dịch bán hàng theo mùa trong năm. Không ngừng mang lại trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng và tối đa hóa tác động của từng chiến dịch. Đồng thời, cần phát triển những ấn phẩm sáng tạo (content marketing) phù hợp. Tích hợp quản lý dữ liệu để tối ưu hóa quảng cáo và chuyển đổi.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm